Hội thảo khoa học di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững
Cập nhật: 02/03/2017
(TITC) – Sáng ngày 01/3/2017, Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái; Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia GS.TSKH Lưu Trần Tiêu; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia GS.TSKH Vũ Minh Giang cùng các thành viên của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia và đại diện các cơ quan bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội và một số địa phương có các khu di sản thế giới…

Hoan nghênh Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã cùng Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 cho thấy phát triển bền vững đã được Đảng, Nhà nước ta thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa khổng lồ với nhiều di sản vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận, hàng nghìn di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh trên khắp cả nước cùng các di sản phi vật thể khác. Nhiệm vụ đặt ra là cần bảo tồn các di sản đó nhằm phát huy những giá trị của di sản mà không làm mai một các di sản theo thời gian. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, hiện một số địa phương đã vận dụng tốt việc lấy di sản để phát triển kinh tế, vì vậy hội thảo này là dịp chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm hay trong việc quản lý tốt di sản góp phần phát huy được giá trị của di sản trong thời kỳ mới.

Toàn cảnh hội thảo khoa học

Việt Nam là đất nước có lịch sử lâu đời với đặc trưng rất đa dạng về địa hình tự nhiên, sinh cảnh và đặc biệt là một nền văn hóa phong phú được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em. Lịch sử đã chỉ ra rằng, đối với Việt Nam, văn hóa không chỉ là căn cước nhận diện mà còn là vũ khí hữu hiệu để bảo tồn giống nòi. Dưới góc nhìn mới, văn hóa và di sản là nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện.

Tuy nhiên, việc bảo tồn các di sản văn hóa đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc xử lý mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn di sản và phát triển. Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia GS.TSKH Vũ Minh Giang đã đưa ra một số vấn đề để lý giải cho khó khăn này như nhận thức hạn chế của cộng đồng về vai trò, vị trí của di sản; thiếu nguồn lực chất lượng cao quản lý di sản văn hóa; thiếu nguồn tài chính dành cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản… GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng chỉ ra rằng, bảo tồn và phát triển dựa vào cộng đồng đang là xu thế trên thế giới và chính là một giải pháp khai thác bền vững các giá trị di sản.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các đại biểu cho rằng bảo tồn văn hóa cần tập trung vào các nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa; Nhận thức được bảo tồn di sản văn hóa và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau; Gắn bảo tồn với phát huy thông qua phát triển du lịch bền vững; Tiếp tục ban hành các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý văn hóa; Bảo vệ văn hóa gắn liền với bảo vệ môi trường…

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu phát biểu tại hội thảo

Tổng kết hội thảo, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà khoa học góp phần khẳng định văn hóa phải được xem là một trụ cột của phát triển bền vững cùng với kinh tế, môi trường và xã hội. Các tham luận cũng cho thấy nhận thức đúng đắn về vai trò di sản văn hóa sẽ là tiền đề khoa học cho các hoạt động bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời đặt ra những giải pháp thiết thực mang tính phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó nhằm giảm thiểu những hậu quả của phát triển nóng và những tác động xấu đến môi trường và xã hội... GS.TSKH Lưu Trần Tiêu khẳng định, hội thảo đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về cách tiếp cận vấn đề phát triển di sản văn hóa bền vững. Đồng thời khẳng định di sản là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước, tuy nhiên, di sản cũng là tiềm năng rất dễ bị xâm hại, mai một, vì vậy cần thiết phải đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản một cách chuẩn mực.

Tin, ảnh: Hương Lê