An toàn khu Định Hóa - Khu di tích đầy tiềm năng du lịch
Cập nhật: 03/01/2017
Đến ATK Định Hóa, hình ảnh đầu tiên mà du khách gặp là những hướng dẫn viên với trang phục áo Tày gần gũi thân thương của đồng bào chiến khu Việt Bắc. Với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, chân tình, hướng dẫn viên sẽ đưa du khách trở lại không gian chiến khu xưa, khám phá những trang sử hào hùng của dân tộc.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De được xây dựng và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 115 năm
Ngày sinh nhật Bác (19/05/1890- 19/05/2005)

ATK Định Hóa là một khu di tích rộng lớn, là vùng lõi của chiến khu Việt Bắc, nằm ở cực Bắc của tỉnh Thái Nguyên, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. An toàn khu Trung ương Định Hoá nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ) để xây dựng các cơ quan chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến.  

Sau thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự kiện lịch sử trọng đại đó mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Lẽ ra, từ đây nhân dân ta sẽ được sống trong hòa bình độc lập, tự do để tập trung sức xây dựng đất nước nhưng tiếc thay, khát vọng hòa bình chính đáng đó của dân tộc Việt Nam chưa thể thành hiện thực, bởi thực dân Pháp đã dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước yêu cầu xây dựng căn cứ địa chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Trung ương Đảng, Chính phủ đã quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách. Sau một thời gian khảo sát kỹ lưỡng tình hình mọi mặt, đội công tác đã chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên); Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn) làm căn cứ địa, trong đó, Định Hóa được chọn là một trong những trung tâm của căn cứ địa bởi hội tụ hai nhân tố "địa lợi và nhân hòa". Các quyết sách lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ phần lớn đều quyết định trên đất Định Hóa, như: Hạ quyết tâm tiêu dịch địch tấn công lên Việt Bắc (1947), Quyết định triển khai Đại đội Độc lập, Tiểu đoàn Tập trung trên toàn quốc; quyết định biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta (1948-1949); hạ quyết tâm mở Chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám... Chiến cuộc Đông xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

ATK Định Hóa, với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, bản sắc văn hóa đậm đà, với vẻ đẹp tiềm ẩn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định: “Cùng với Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Một vùng Thủ đô Kháng chiến có giá trị trên nhiều mặt”.

Hãy còn đó 128 điểm di tích ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc như: Đồi Khau Tý, ngày 20/5/1947, Bác cùng 8 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc lên xây dựng “Phủ Chủ tịch đầu tiên”, từ đây Bác thay mặt Chính phủ đồng ý lấy ngày 27/7/1947 là ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc. Đến độ cuối tháng 9, đầu tháng 10/1947, Bác hoàn thành cuốn Sửa đổi lối làm việc, với bút danh XYZ.

Từ Điềm Mặc, Bác và Trung ương Đảng ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công mùa Đông 1947 của thực dân Pháp lên Việt Bắc. Khi đến đây, du khách len qua những cây vầu lưa thưa, ánh nắng mặt trời chiếu xiên đẹp như rừng Taiga, Suối Đình chảy quanh e ấp dáng vẻ như một nàng sơn nữ, ngôi nhà sàn của Bác được dựng dưới tán đa, cây trám cổ thụ 2 người ôm và cây hoa dâm bụt Bác Hồ trồng vẫn ngời hoa đỏ thắm; căn hầm, xà đơn, xà kép vẫn in đậm bóng Người.

Du khách sau đó trở lại di tích lịch sử Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo xanh ngát tre, vầu, cọ dưới chân đèo De thuộc xã Phú Đình - Định Hóa. Trong mái lán cọ đơn sơ, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài lán ở của Bác và anh em bảo vệ, giúp việc có lán họp, có chòi gác dưới chân đồi gần sát con suối Khuôn Tát và đường hầm hào thoát xuống chân đồi, bếp nấu ăn không khói, phía trước căn lán họp Bộ Chính trị vầng hoa dâm bụt vẫn ngời đỏ bên cây bưởi Đoan Hùng Bác trồng năm xưa.

Bên cạnh Nhà trưng bày- Bảo tàng ATK Định Hóa, với tổ hợp 380 hiện vật và ảnh tư liệu, sa bàn, tái hiện không gian “Thủ đô Kháng chiến”, theo lối mòn du khách rẽ vào bản người Dao, rồi dừng bên cây đa Khuôn Tát, nơi Bác Hồ cùng anh, em bảo vệ chơi bóng chuyền, tập võ ngày nào, soi bóng con suối Bác từng câu cá, nghe “ve kêu rừng phách đổ vàng” rắc tím hoa phách lên lán Bác Hồ trên đồi Nà Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ “Đánh chắc thắng” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ (1/1954), Bia tưởng niệm liệt sỹ Phạm Văn Lộc, người chiễn sỹ bảo vệ giúp việc Bác Hồ ở Khuôn Tát (1948), rồi thăm thắng cảnh thác 7 tầng Khuôn Tát uốn quanh như một dải lụa trắng vắt vai nàng sơn nữ, đồi cọ, vầu xanh ngát.

Đến Roòng Khoa (Điềm Mặc), du khách thăm nhà bia di tích, Nhà trưng bày nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950) phù điêu nghệ thuật bằng đá khối và bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội Thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (1950), Nhà sàn nơi làm việc của Ban Nông vận Trung ương và Hội Nông dân Việt Nam, Đồi Khau Goại, nơi đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh ở và làm việc (từ 1947-1954).

Du khách có thể lên thuyền luồn qua những tán cọ, đồi chè, câu cá, nghỉ ngơi bên nhà lán lợp cọ, thưởng thức cá quả, tôm, cua của hồ Bảo Linh (rộng 82,5ha, là một hồ nhân tạo) phục vụ nước tưới tiêu cho bà con quanh vùng. Thăm di tích Việt Nam giải phóng quân (15/5/1945) nơi Báo Quân đội ra số đầu ở Khau Diều (1950), hầm 5 cửa ghi dấu nơi ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và cơ quan Tổng cục chính trị; thăm phù điêu nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm xưởng quân giới Đội Cấn (1950) ở Đồng Thịnh; Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh – nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, địa điểm di tích nơi phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của quân đội ta (25/5/1948) cho đồng chí Võ Nguyên Giáp ở Nà Lọm; nhà sàn Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng ở Nà Mòn; Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Thẩm Khen; thăm di tích Nhà tù Chợ Chu (1916) – nơi giam giữ các chiến sỹ cách mạng, tại đây ngày 02/10/1944, Chi bộ Đảng tại nhà tù đã tổ chức vượt ngục thành công cho 12 đồng chí, sau này bổ sung cho lực lượng đón Bác từ Pác Bó về Tân Trào lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa.

Du khách có thể khám phá vẻ đẹp lung linh huyền ảo của danh thắng Chùa Hang Chợ Chu, nơi Bác Hồ đã dừng chân sau Chiến dịch biên giới 7 ngày tại đây.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm trên một quả đồi hình mai rùa trên đỉnh đèo De, tựa lưng vào dãy núi Hồng hùng vĩ với kiến trúc truyền thống, mái ngói đỏ, đầu đao vút cong tựa rồng bay. Nhà tưởng niệm được xây dựng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác. Bộ Chính trị đã giao cho thành phố Hà Nội cùng với Thái Nguyên xây dựng Nhà tưởng niệm mang tầm vóc quốc gia, là nơi hành hương của các thế hệ người Việt và du khách quốc tế.

Về thăm “Thủ đô gió ngàn” năm xưa, du khách tận mắt thấy đèo De, núi Hồng, “quán Ông già”, suối Việt Gian, đồi Phong Tướng, rừng cọ, đồi chè, nhà sàn, giao lưu với bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao chân thật, hiếu khách. Hòa mình trong điệu then, câu sli, câu lượn, xem múa rối Tày Thẩm Rộc – đội rối duy nhất của vùng Việt Bắc. Đặc biệt, vào ngày mùng 9 – 10 tháng giêng, tại sân đèo De diễn ra Lễ hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội cầu mùa của bà con nơi đây với nhiều nghi lễ đặc sắc cùng nhiều trò chơi dân gian như múa lân, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ, đi cà kheo, thi cấy lúa… Du khách được thưởng thức chén rượu men lá nồng nàn, ống cơm lam, xiên thịt nướng. Du khách có thể nghỉ qua đêm tại nhà sàn Trung tâm dịch vụ du lịch và bảo tồn di tích ATK.

Không chỉ là thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp, trong công cuộc đổi mới đất nước, ATK Định Hoá còn được đánh giá là khu di tích đầy tiềm năng. Với nỗ lực đưa ATK Định Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bằng những chương trình tham quan du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái, từ năm 1995, dự án bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử, cách mạng vùng ATK đã được phê duyệt. Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư phục hồi, tôn tạo, bảo tồn phát huy di tích chiến khu Việt Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 02/10/1999.

Hiện nay, để phát triển du lịch bền vững, Ban quản lý khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa đã kết hợp việc bảo tồn khai thác các di tích lịch sử gắn với sinh thái, cảnh quan, văn hóa các dân tộc thành các sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí, ẩm thực, chợ miền núi thành các chuỗi di tích lịch sử - sinh thái, làng văn hóa du lịch ATK. Để phát huy tốt tiềm năng giá trị di tích lịch sử ATK, Ban Quản lí khu di tích không ngừng nâng cao đào tạo nguồn nhân lực ATK, hiện trên 85% cán bộ, hướng dẫn viên có trình độ từ đại học, cao đẳng trở lên. Ngoài ra còn phối hợp với địa phương phát triển du lịch cộng đồng, gắn với trông coi di tích, hoạt động văn nghệ phục vụ các tua tham quan du lịch. Vận động các gia đình ở Tỉn Keo lo ăn ngủ nghỉ cho khách du lịch ba lô và học sinh, sinh viên trên nhà sàn, kết nối quầy hàng chợ quê phục vụ du khách.

Trung tâm dịch vụ ATK đã phát huy được ẩm thực Việt Bắc. Các món rau rớn, măng chú, hoa chuối rừng, cá suối, măng rừng, xôi ngũ sắc… được du khách ưa thích.

Với những nỗ lực đó, ATK Định Hóa đã có những bước khởi sắc bền vững, thu hút lượng du khách ngày càng đông đảo. Tháng 5/2012, quần thế ATK Định Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu. 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch Thái Nguyên đến năm 2030. Việc lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử ATK Định Hóa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam; làm cơ sở cho việc khai thác các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của khu vực trở thành điểm hành hương về nguồn; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc./.

Thu Hương

ĐCSVN