Hà Nội kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 2016
Cập nhật: 23/11/2016
(TITC) – Sáng ngày 22/11/2016, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.

Toàn cảnh buổi lễ

Buổi lễ có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động; lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, đại diện Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội; đại diện các Hội, nhóm Di sản Thăng Long, Sử học Việt Nam, Đình làng Việt cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về di sản văn hóa.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Tô Văn Động cho biết thủ đô Hà Nội là nơi lưu giữ khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã và đang tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 5.922 di tích được kiểm kê, trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.202 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Hàng nghìn hiện vật và sưu tập hiện vật có giá trị và nhiều bảo vật quốc gia được bảo quản, trưng bày tại các di tích, tại Bảo tàng Hà Nội và các bảo tàng ngoài công lập. Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô tới bạn bè quốc tế như: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, di tích Nhà tù Hỏa Lò…

Tại buổi lễ, kết quả thực hiện Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đã được công bố. Theo đó, từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2015, tổng số Di sản văn hóa phi vật thể của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội đã được kiểm kê là 1.793 di sản, trong đó, 14 di sản về ngữ văn dân gian, 79 di sản về nghệ thuật trình diễn dân gian, 213 di sản về tập quán xã hội, 1.206 di sản về lễ hội truyền thống, 175 di sản về nghề thủ công truyền thống, 106 di sản về trí thức dân gian.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại buổi lễ

Hà Nội cũng đã xây dựng danh mục Di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ và ưu tiên bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn, bao gồm: Tiếng lóng Đa Chất, Hát trống quân thôn Phúc Lâm (huyện Phú Xuyên); Hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (huyện Chương Mỹ); Hát trống quân Khánh Hà (huyện Thường Tín); Hát ví xã Đồng Quang, Hát ví Ngọc Than, Hát ví Hàm Rồng, Hát Dô, Hát ca trù xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai); Hát ca trù thôn Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức); Hát ca trù thôn Lỗ Khê (huyện Đông Anh). Đây là những di sản có tính phổ biến, giá trị độc đáo, thể hiện sáng tạo, trao truyền liên tục từ đời này qua đời khác, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hóa hiện tại, có tiềm năng phát triển bền vững, được cộng đồng đề xuất.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đã công bố 3 di sản phi vật thể được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Hát và múa Ải Lao, Nghề thêu truyền thống thôn Đồng Cứu và Lễ hội đình Lưu Xá), nâng tổng số di sản phi vật thể cấp quốc gia của TP. Hà Nội lên 12 di sản.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh Bộ VHTTDL đánh giá cao Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, thể hiện rõ văn hóa đặc trưng của Hà Nội, mang tính thực tiễn cao, cần phổ biến kinh nghiệm cho các địa phương khác. Trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền, bảo vệ di sản văn hóa, quảng bá những phong tục truyền thống tốt đẹp đến khách quốc tế, quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghệ nhân, cán bộ quản lý di sản, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn, bảo vệ di sản.

Ông Tô Văn Động phát biểu tại buổi lễ

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên trao chứng nhận của Bộ VHTTDL công nhận 3 di sản phi vật thể cấp quốc gia

Các đại biểu dự buổi lễ

Biểu diễn Múa Bài Bông (Giáo phường Ca trù Thái Hà)

Biểu diễn Hát nói dở: Gửi thư (Giáo phường Ca trù Thái Hà)

Hát trích đoạn Chầu văn giá Ông Hoàng Mười

Hát trích đoạn Chầu văn Cô đôi thượng ngàn

Tin, ảnh: Thu Thủy