Nét độc đáo trong lễ cưới của người Sán Chay
Cập nhật: 02/11/2016
Nét văn hóa độc đáo trong lễ cưới của người Sán Chay là phong tục giấu cô dâu.

Dân tộc Sán Chay (hay còn gọi là Sán Chí) mới di cư vào Việt Nam khoảng 400 năm, song luôn giữ được những nét văn hóa riêng rất độc đáo và giàu bản sắc dân tộc.

Người Sán Chay chủ yếu tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, rải rác ở các tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hiện tại có một nhóm người vào Tây Nguyên lập nghiệp được tổ chức thành các làng.

Là một cộng đồng dân tộc độc lập, người Sán Chay có phong tục tập quán riêng và những bản sắc văn hoá tộc người riêng biệt. Một trong những bản sắc văn hóa độc đáo được người Sán Chay lưu giữ là tục cưới hỏi. Đó là những nghi thức riêng được thực hiện theo tập quán của dân tộc để mỗi đôi trai gái tạo lập nên một gia đình mới. Đặc biệt là lễ đón dâu trong đám cưới của người Sán Chay.

Lễ cưới của người Sán Chay thường được tổ chức từ tiết Sương Giáng (tức là khoảng tháng 9 cho đến tháng 2 dương lịch hàng năm). Sau khi mọi thủ tục thách cưới, ăn hỏi đã xong, hai họ quyết định chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức đám cưới. Nhà trai cử một ông mối, một đôi nam nữ phù rể cùng chú rể sang nhà gái đón dâu.

Hai bên gia đình soạn lễ vật để cúng.

Nét văn hóa độc đáo trong lễ cưới của người Sán Chay là phong tục giấu cô dâu. Khi nhà trai đến, ông mối, chú rể, phù rể vào báo với họ hàng ra đón dâu vào trong nhà làm lễ. Sau đó, họ nhà trai sẽ cử người ra mời trầu để tìm cô dâu. Khi đó, các cô phù dâu của đoàn nhà gái phải tìm cách che giấu cô dâu. Khi nhà trai đi tìm dâu, những ai không phải là cô dâu sẽ không nhận trầu. Người nào nhận trầu mới là cô dâu. Khi cô dâu đã nhận trầu thì tất cả mọi người trong đoàn phù dâu mới nhận trầu. Khi đã tìm được cô dâu, ông mối phải lấy mũ hoặc ô che đầu cho cô dâu rồi đưa vào trong nhà làm lễ.

Chú rể vào đón cô dâu từ trong phòng riêng.

Xưa kia, trong xã hội phong kiến, với những lễ giáo ngặt nghèo, nam nữ Sán Chay không được tự do lựa chọn người bạn trăm năm của mình mà phải tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ. Tuy nhiên, họ cũng có thể tự tìm người bạn đời của mình thông qua các cuộc hát. Theo tập quán của dân tộc, vào những dịp đầu xuân, người Sán Chay ở bản này thường đến bản kia để du xuân và ca hát. Họ có thể đi như thế hàng tuần mà không bị gia đình ngăn cản. Qua những cuộc hát ấy, nhiều đôi nam nữ đã quen nhau, yêu nhau rồi dẫn đến hôn nhân.

Chứng kiến đám cưới của dân tộc Sán Chay mới thấy sự thú vị trong bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào, không chỉ là những câu hát đối đáp đầy ý nhị của quan viên hai họ mà còn cả những phong tục độc đáo như tục sàng rượu lên đầu khi họ nhà trai (hoặc họ nhà gái) không hát đối đáp được giống như những giọt mưa, giọt tinh hoa của đất trời chúc phúc cho cô dâu chú rể.

Tục sàng rượu lên đầu khi họ nhà trai (hoặc họ nhà gái) không hát đối đáp được.

Đồng bào Sán Chay luôn có ý thức gìn giữ phong tục cổ truyền độc đáo, giàu bản sắc dân tộc. Điều này được thể hiện rất rõ trong nghi thức cưới hỏi của người Sán Chay./.

Trà My

VOV.VN