Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao tại Đà Nẵng
Cập nhật: 25/09/2016
(TITC) – Sáng ngày 24/9/2016, Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với tổ chức Du lịch Thế Giới (UNWTO), Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao tại khách sạn Novotel, Đà Nẵng.

Đây là sự kiện quan trọng trong chương trình hoạt động năm 2016 của UNWTO do Việt Nam đăng cai tổ chức nhân dịp Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) đang diễn ra tại Đà Nẵng.

Tham dự Hội nghị có ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Taleb Rifai – Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL; các quan chức cấp cao của UNWTO; và trên 200 đại biểu là Lãnh đạo cơ quan du lich quốc gia, quan chức thể thao các nước, các hiệp hội du lịch và thể thao, doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, cơ sở đào tạo, các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực; với các diễn giả đến từ Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau Tuyên bố Barcelona 2001 do Tổ chức Du lịch Thế giới và Ủy ban Olympic Thế giới phát động, sự gắn kết thể thao và du lịch trở thành hai động lực rất quan trọng đối với phát triển, mang lại lợi ích cho rất nhiều quốc gia, người dân. Thông qua du lịch, thể thao và sự kết hợp này, mọi người dân, mọi du khách cùng có cơ hội vươn lên vượt qua chính mình, khám phá thế giới, cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới để có một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận 3 nội dung lớn đó là: 1- Xu hướng phát triển của du lịch gắn với các hoạt động thể thao, mối quan hệ tương hỗ giữa du lịch và thể thao cũng như đóng góp của du lịch và thể thao cho sự phát triển bền vững; 2- Quan điểm, cách tiếp cận và kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch thể thao; 3- Quảng bá sản phẩm du lịch thể thao thời gian qua bao gồm sản phẩm du lịch golf, du lịch mạo hiểm, leo núi, du lịch biển… kinh nghiệm từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam…

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới Taleb Rifai

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki-Moon (năm 2011) đã nhấn mạnh du lịch thể thao có tiềm năng trở thành công cụ đầy quyền năng để phát triển và tăng trưởng. Loại hình du lịch thể thao đang mang lại cho các điểm đến những cơ hội to lớn. Khái niệm du lịch thể thao bao hàm tất cả các hoạt động tham gia vào các loại hình thể thao từ những việc đơn giản hàng ngày như câu cá hay những chương trình, khóa huấn luyện phức tạp, có tổ chức, kết hợp với du lịch hay tham quan một địa điểm có liên quan đến một môn thể thao, một sự kiện thể thao hay một huyền thoại thể thao đến những sự kiện toàn cầu đã, đang và sẽ diễn ra ở khắp mọi nơi với đông đảo người tham gia như các Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup), Thế Vận Hội (Olympic Games) hay gần nhất là Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trân trọng cảm ơn Tổ chức du lịch thế giới và cá nhân ông Taleb Rifai đã đồng hành để cùng hội nghị quan trọng này đồng thời cho biết Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện quốc tế về thể thao, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch với thể thao, góp phần đa dạng hóa sức hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch. Và hy vọng Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 là động lực mới cho sự phát triển du lịch gắn với các hoạt động thể thao của Việt Nam nói riêng và khu vực, thế giới nói chung.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới Taleb Rifai đánh giá cao các hoạt động bên lề ABG 5 mà Đà Nẵng đã thực hiện vì mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách. Và cho rằng sự kiện thể thao luôn thu hút một lượng du khách rất lớn, từ đó tạo nguồn thu lớn. Các thành phố, quốc gia chủ nhà có cơ hội tuyệt vời để phát triển du lịch dài hạn, trở thành điểm đến hấp dẫn. Để phát triển bền vững, du lịch, thể thao phải đảm bảo môi trường cũng như các tác động đến thành phố chủ nhà.

Toàn cảnh hội nghị

Vai trò, vị trí và mối quan hệ tương hỗ giữa lĩnh vực du lịch và thể thao có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Du lịch – ngành kinh tế đã và đang không ngừng lớn mạnh, trở thành lĩnh vực dẫn đầu thế giới với dấu mốc tăng trưởng liên tục 6 năm trong đó 4 năm liền đạt hơn một tỷ lượt khách đi du lịch quốc tế và con số này không ngừng tăng lên; đóng góp khoảng 10% vào GDP thế giới, 6% tổng xuất khẩu toàn cầu. Nếu du lịch là ngành công nghiệp không khói dẫn đầu thì thể thaolaij được nhìn nhận là ngành giải trí số 1 thế giới. Ngành công nghiệp thể thao toàn cầu đang có sự phát triển nhanh hơn so với các ngành khác. Cả mức đóng góp vào GDP và tốc độ tăng tưởng đang duy trì ở mức cao và cho thấy một tương lai khả quan. Bên cạnh việc khai thác tích cực các sự kiện thể thao tại điểm đến việc khai thác những yếu tố khác đi kèm để đưa vào các sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với du khách. Đây là động lực mạnh mẽ thôi thúc du khách lựa chọn tham gia và tận hưởng chuyến đi của mình, đặc biệt là nhóm du khách yêu thích hoạt động động thể lực. Sự kết hợp giữa du lịch và thể thao là hoàn hảo, được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ tạo động lực bứt phá cho nhiều quốc gia trên con đường đạt được các mục tiêu về kinh tế, xã hội, cùng sự phát triển bền vững.
 
Các hoạt động của du lịch thể thao không có biên giới, không bị hạn chế bởi bất kỳ yếu tố nào như văn hóa, giới tính, địa vị xã hội. Thị trường dành cho du lịch thể thao cũng vậy, có thể là mọi đối tượng trong xã hội. Bất kể khách du lịch quyết định tham gia vào hoạt động du lịch nào, họ cũng đề cao nhu cầu trải nghiệm mới, nâng cao kỳ vọng và chất lượng về chuyến đi của bản thân. Điều này tạo nên cơ hội lớn cho các điểm đến. Với nhu cầu và động lực đa dạng đó, trong tương lai chắc chắn hầu hết các điểm du lịch (ở tất cả các giai đoạn phát triển: đã phát triển, đang phát triển và mới phát triển) đều nhận ra tài nguyên thích hợp để khai thác du lịch thể thao.

“Du lịch thể thao mang lại giá trị lớn hơn việc đăng cai những sự kiện lớn”. Lợi ích từ du lịch thể thao lan tỏa rộng hơn: gia tăng nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, có được sự công nhận của các vận động viên tham gia sự kiện, công dân thành phố năng động hơn, và nhiều lợi ích khác nữa.

Hội nghị kết thúc với việc thông qua tuyên bố Đà Nẵng về du lịch và thể thao vì sự phát triển bền vững, là một văn kiện chính thức của UNWTO hướng tới thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các điểm đến và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo chính sách, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch và thể thao vì lợi ích của người dân, cộng đồng và sự phát triển bền vững.


Khánh Luân