Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đến năm 2030
Cập nhật: 09/08/2016
(TITC) – Ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.

Theo đó, Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình (xã Thái Thịnh và các phường: Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh) và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước).

Mục tiêu đến năm 2020, Khu du lịch Hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình, là một trong 12 Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ.

Đến năm 2020, Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đón được khoảng 630.000 lượt khách, trong đó khoảng 30.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 900 lao động. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, trong đó khoảng 90.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Về định hướng phát triển, Khu du lịch hồ Hòa Bình sẽ tập trung khai thác thị trường khách nội địa đến từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và khách nội tỉnh; trong đó tập trung vào khách du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái. Đồng thời, ưu tiên củng cố và phát triển các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống, gồm: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, trong đó, tập trung vào du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, tìm hiểu bản sắc văn hóa.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái (tham quan hồ, nghỉ dưỡng trên hồ, trên đảo; đi thuyền ngắm cảnh quan hồ), du lịch lịch sử - văn hóa (tham quan, tìm hiểu văn hóa Mường, lễ hội đền Bờ, trải nghiệm lối sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Bản Mỗ, Bản Ké, Bản Tiện, Bản Đá Bia, Bản Trụ…; tham quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình). Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như hoạt động thể thao, vui chơi giải trí trên nước; thể thao mạo hiểm; du lịch thương mại, công vụ; du lịch tìm hiểu, khám phá thiên nhiên; du lịch gắn với các sự kiện lễ hội, văn hóa truyền thống; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với mua sắm tại các chợ truyền thống…

Tổ chức không gian phát triển du lịch trên nguyên tắc khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên cả trên bờ và không gian mặt nước hồ; hình thành mối liên hệ giữa các khu, phân khu và các điểm du lịch; tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn; hạn chế tối đa sử dụng đất nông nghiệp và không gây ô nhiễm nước hồ; tránh di chuyển dân cư; giảm thiểu sự tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống, hoạt động sản xuất của người dân.

Tập trung phát triển vùng lõi Khu du lịch quốc gia với các phân khu du lịch, gồm: Thung Nai, Thái Bình, Thái Thịnh, Hiền Lương, đảo Sung, Bình Thanh – Vầy Nưa, đồng thời, phát triển các điểm du lịch phụ trợ để đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhu cầu về buồng lưu trú đến năm 2030 khoảng 800 buồng, trong đó có khoảng 160 buồng khách sạn. Ưu tiên phát triển loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) tại các bản du lịch cộng đồng; phát triển loại hình nghỉ dưỡng cao cấp tại phân khu Ngòi Hoa, đảo Sung; khách sạn 3 - 5 sao tại phân khu Thái Bình, Thái Thịnh; nghỉ dưỡng nổi tại phân khu Bình Thanh - Vầy Nưa, Hiền Lương. Phát triển các câu lạc bộ vui chơi giải trí cao cấp, các cơ sở ăn uống với dịch vụ ẩm thực khai thác các món ăn truyền thống, đặc sản dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số trong vùng; các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng cao cấp, mô hình phố ẩm thực, chợ văn hóa du lịch…

Thu Thủy