Đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng tại Cần Thơ, An Giang
Cập nhật: 11/07/2016
(TITC) - Du lịch cộng đồng là một trong những mô hình đang được các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chú trọng đầu tư nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Bắt nhịp với xu hướng phát triển này, nhiều hộ gia đình tại TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình thuần nông sang làm du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống, góp phần phát triển du lịch địa phương. 

Ông Mười Cương giới thiệu quy trình chế biến ca cao tại vườn

Là địa phương có hoạt động du lịch phát triển thuộc vùng Tây Nam bộ, Cần Thơ đã và đang từng bước xây dựng các mô hình du lịch có trách nhiệm, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững. Trong đó, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) là một trong những địa bàn thường xuyên đón và phục vụ du khách tham gia loại hình du lịch cộng đồng với 4 điểm vườn. Nổi bật trong số đó là vườn ca cao của ông Lâm Thế Cương (hay còn được gọi là Mười Cương) nằm sâu trong ngõ nhỏ của ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh. Với diện tích 1,2ha, vườn ca cao Mười Cương hiện trồng hơn 2.000 gốc ca cao với 15 giống ca cao các loại, thu nhập mỗi năm khoảng hơn 200 triệu đồng. Từ nghề trồng, chế biến và bán ca cao truyền thống, năm 2012, gia đình ông chuyển sang mô hình homestay, cung cấp dịch vụ tại chỗ cho du khách, thu nhập hàng năm tăng thêm khoảng 50%. Đặc biệt, ông Mười Cương có thể giao tiếp bằng tiếng Anh nên thuận lợi trong việc giới thiệu văn hóa, ẩm thực bản địa tới du khách nước ngoài. Bởi thế, mỗi năm, gia đình ông thu hút khoảng vài trăm lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Để đón tiếp du khách chu đáo, ông Mười Cương đã in sẵn chương trình du lịch homestay (2 ngày, 1 đêm) với nhiều hoạt động hấp dẫn và bài bản. Theo đó, từ trung tâm quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ), du khách sẽ được đón xuống tàu, xuôi sông Cần Thơ hướng đến xã Mỹ Khánh. Khi tới ấp Mỹ Ái, các thành viên trong gia đình ông Mười Cương sẽ đón du khách tới vườn ca cao và giới thiệu các hoạt động du lịch cộng đồng mà du khách sẽ được trải nghiệm trong thời gian tham quan hoặc lưu trú tại gia đình. Du khách sẽ được cùng gia đình tham gia các khâu thu hoạch, chế biến trái ca cao, đồng thời thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. Nếu có dịp nghỉ đêm tại gia đình, du khách sẽ được tận hưởng các món ăn dân gian vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: canh rau tép, cá tai tượng chiên cuốn bánh tráng, chả giò…; các loại trái cây theo mùa và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đồng bào Nam bộ.

Du khách tới thăm vườn trái cây Vàm Xáng

Rời vườn ca cao Mười Cương, du khách có thể ghé thăm vườn trái cây Vàm Xáng của gia đình ông Trần Văn Liền (còn được gọi là Năm Liền) ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền. Đây là khu vườn còn giữ được nét tự nhiên đúng kiểu nhà vườn Nam bộ xưa với hàng rào hoa kiểng, hàng cau thẳng tắp hai bên lối đi, những đụn rơm chất cao hay cây cầu khỉ cheo leo trước cửa nhà. Với diện tích hơn 2,5ha, vườn trái cây Vàm Xáng đã có gần 20 năm tuổi với chục loại cây trái như chôm chôm, cam, măng cụt… và nhiều nhất là dâu (hay còn gọi là Bòn bon). Đến đây vào mùa dâu từ tháng 3 đến tháng 6, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn những trái dâu tròn trịa, vàng rực kết thành chùm, treo lủng lẳng trên cây, nhìn xa giống như một bức mành hạt khổng lồ.

Xen lẫn trong vườn cây xanh mát là những điểm dừng chân nghỉ ngơi dành cho du khách với mái lá đơn sơ, nền gạch sáng bóng và những chiếc võng đong đưa, đâu đó thoảng mùi hương của cây cỏ và bùn đất. Hầu hết khách đến vườn đều thích thú chụp ảnh lưu niệm, tự tay hái và tận hưởng vị thơm ngọt của trái cây hoặc dừng lại lâu hơn để dùng bữa trưa, thưởng thức các món ngon đặc trưng của miệt vườn Nam bộ. Ngoài ra, những đoàn khách dừng chân lâu hơn sẽ có dịp tham gia nhiều hoạt động thú vị như: câu cá, tát mương bắt cá, chèo xuồng, đi thăm các vườn trái cây lân cận, thăm chợ nổi, học nấu món ngon Nam bộ…

Một trong những hộ gia đình làm du lịch homestay tại xã Mỹ Hòa Hưng 

Cùng với Cần Thơ, những năm gần đây, An Giang cũng tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng với nhiều điểm đến hấp dẫn. Trong đó, điển hình là xã Mỹ Hoà Hưng nằm trên Cù lao Hổ giữa sông Hậu, thuộc địa phận TP. Long Xuyên. Mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều làng bè nổi trên sông, vườn cây trái trĩu quả cùng các di tích lịch sử văn hóa có giá trị, Mỹ Hòa Hưng đang trở thành điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi đến với An Giang. Bởi thế, bên cạnh các nghề chính như: trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản, làm mắm…, người dân nơi đây còn từng bước được làm quen với nghề kinh doanh dịch vụ du lịch, chủ yếu là homestay.

Hiện trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng có 9 hộ làm du lịch homestay, trong đó phải kể đến gia đình chị Trần Thị Trúc Mai, Hồ Thanh Vân hay gia đình ông Tôn Thất Đính, Trần Phước Nguyên. Nhờ còn lưu giữ những nhà sàn gỗ thấp truyền thống được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, các hộ gia đình tại đây luôn thu hút rất đông du khách đến tham quan và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Ngoài ra, khách lưu trú còn được các hộ gia đình hướng dẫn nấu các món ăn truyền thống, thu hoạch hoa màu, trái cây, tát mương, bắt cá, kéo lưới, mò ốc…

Dự án EU hỗ trợ xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa xã Mỹ Khánh (TP. Cần Thơ)

Để du lịch cộng đồng tại Cần Thơ, An Giang từng bước được cải thiện và phát triển như hiện nay, Dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã có những hỗ trợ tích cực tới các địa phương. Cụ thể, Dự án đã hỗ trợ xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) xây dựng nhà văn hóa xã, cung cấp các trang thiết bị cần thiết như máy tính, máy chiếu, loa đài; đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn cho cộng đồng địa phương nhằm nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm và khả năng phục vụ khách ở các điểm du lịch homestay. Tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), Dự án EU cũng đã hỗ trợ tổ chức 2 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng làm du lịch bền vững cho bà con.

Về phía địa phương, hiện các tỉnh cũng đang quyết tâm đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng với những hoạt động cụ thể như: không ngừng cải tiến về nội dung, hình thức cũng như chất lượng các dịch vụ du lịch; đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng được thị hiếu của du khách, qua đó góp phần thu hút khách đến nhiều hơn, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Với những bước đi vững chắc, du lịch cộng đồng tại Cần Thơ, An Giang đã trở thành mô hình điểm để nhân rộng sang các địa phương khác, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến với Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài: Lam Phương; ảnh: Anh Dũng