Xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 02/02/2016
(TITC) – Nhằm tiếp tục cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 29/1/2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã có buổi báo cáo lãnh đạo Tổng cục Du lịch về Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn; Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu; Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu của Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long bao gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Diện tích tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long là 40.576,6 km2, dân số khoảng 17,5 triệu người.

Mục tiêu xây dựng quy hoạch nhằm thực hiện công tác quản lý phát triển du lịch đảm bảo có hiệu quả và thống nhất trong mối liên kết toàn vùng và với các vùng khác trong cả nước. Bên cạnh đó, tạo cơ sở lập các quy hoạch phát triển du lịch địa phương, các khu du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn vùng góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vùng.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, hiện trạng, các yếu tố nguồn lực để phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án nêu lên quan điểm phát triển, trong đó tập trung vào phát triển du lịch sông nước, miệt vườn thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và cả nước bên cạnh việc phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo; gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với công tác đảm bảo quốc phòng – an ninh và bảo vệ môi trường, đặc biệt coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tập trung phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn, đất ngập nước, du lịch biển đảo và du lịch văn hóa, lễ hội để góp phần khẳng định vị trí quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long đối với du lịch Việt Nam. Nâng cao vị thế của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, góp phần quảng bá hình ảnh Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.

Toàn cảnh buổi làm việc

Để thực hiện quy hoạch, Đề án đặt ra các giải pháp về cơ chế chính sách phát triển du lịch; quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch; đầu tư và huy động nguồn vốn phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; hợp tác liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biển đổi khí hậu; phát triển thị trường du lịch; phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch. Tổng cục trưởng nhấn mạnh Đề án cần tập trung vào giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch, đặc biệt là chính sách đầu tư; làm nổi bật được vai trò của sông Mê Kông – nơi hội tụ đặc điểm sinh thái, văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long; TP. Cần Thơ và huyện đảo Phú Quốc trong mối liên kết vùng và các địa phương khác; các mối liên kết nội vùng, ngoại vùng…

Tin, ảnh: Thu Thủy