Tọa đàm phối hợp các nhà tài trợ cho ngành Du lịch Việt Nam
Cập nhật: 01/02/2016
(TITC) – Sáng ngày 28/01/2016, Tổng cục Du lịch đã tổ chức buổi tọa đảm phối hợp các nhà tài trợ cho ngành Du lịch Việt Nam. Chương trình được tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT).
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: Báo Du lịch)

Buổi tọa đàm có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc TCDL, Dự án EU-ESRT, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Theo tham luận của Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL), trong giai đoạn 5 năm qua (2011-2015), ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó khách quốc tế đến năm 2015 đạt khoảng 7,94 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt 5,7%/năm. Khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt 16,3%/năm. Tổng thu từ khách du lịch năm 2015 đạt 337,8 nghìn tỷ đồng, đóng góp 5% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt trên 25%/năm. Cả ba kết quả trên đều vượt qua chỉ tiêu đặt ra cho năm 2015 trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, chỉ tiêu về phát triển hệ thống cơ sở lưu trú mới chỉ đạt 18.800 cơ sở lưu trú với 355.000 buồng, chưa đạt mức Chiến lược đề ra là 390.000 buồng; nguồn nhân lực du lịch mới chỉ đạt 1,78 triệu lao động (gồm 555.000 lao động trực tiếp) vào năm 2015, chưa đạt so với chỉ tiêu trong Chiến lược đặt ra là 2,2 triệu việc làm, trong đó có 620.000 lao động trực tiếp.

Trong quá trình thực hiện Chiến lược vẫn còn tồn tại một số vấn đề hạn chế trong khai thác và phát triển thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phát triển du lịch.

Trong suốt thời gian qua, ngành Du lịch đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như EU, JICA, AECID, Luxembourg, ADB, UNESCO, SNV, ILO, KTO... rộng khắp trên các lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quy hoạch du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển Du lịch Việt Nam theo hướng đa dạng, bền vững, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực cũng như góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đất nước.

Trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quốc tế về: (1) Tăng cường năng lực thể chế và quản lý nhà nước về du lịch, trong đó tập trung vào phổ biến và triển khai thực hiện Luật Du lịch sửa đổi, hội nhập du lịch trong khu vực ASEAN và trên thế giới, tăng cường năng lực của ngành du lịch đối phó với khủng hoảng, biến đổi khí hậu, tác động của kinh tế thế giới; (2) Phát triển sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc có lợi thế cạnh tranh trong khu vực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mở rộng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; (3) Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó chú ý tới đầu tư các công trình du lịch công cộng và tăng cường kết nối tới các nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư cảng biển, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí; (4) Phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và e-marketing cho cán bộ quản lý du lịch; (5) Ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên khai thác hiệu quả của e-marketing, phát triển các phần mềm phục vụ công tác quản lý phát triển du lịch, chuẩn hóa và triển khai hiệu quả hệ thống thống kê du lịch; và (6) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe ý kiến tham luận của ông Tom Corrie, Phó trưởng ban Hợp tác và Phát triển thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn Dự án EU giới thiệu về Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ; ông Nguyễn Văn Kim, Giám đốc Chương trình TVET/GIZ giới thiệu về chương trình “Sáng kiến đối với việc hội nhập ASEAN” – một dự án do Cơ quan hợp tác Đức tài trợ; ông Nguyễn Đức Tăng, cán bộ chương trình quốc gia lĩnh vực văn hóa của UNESCO tại Việt Nam giới thiệu về sự hỗ trợ của UNESCO đối với sự phát triển du lịch tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế; ông Jake Brunner, Phó trưởng ban Khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) giới thiêu về Sáng kiến “Liên minh Vịnh Hạ Long” nhằm bảo tồn và gìn giữ Vịnh Hạ Long; cùng các ý kiến của đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ADB...

Bên cạnh đưa ra các đề xuất, các đại biểu đều cho rằng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cần đứng ra đóng vai trò điều phối hoạt động các chương trình tài trợ cho Du lịch Việt Nam để tránh chồng chéo và phát huy hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sáng kiến của Dự án EU-ESRT trong việc tổ chức buổi tọa đàm này, đồng thời bày tỏ sự vui mừng trước việc các bên đã nhìn ra nhiều cơ hội hợp tác trong thời gian tới. Tổng cục trưởng nhấn mạnh và đánh giá cao sự hỗ trợ rất thiết thực của các nhà tài trợ quốc tế trong suốt những năm qua và cho rằng sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Du lịch Việt Nam.

Trong thời gian tới cần các bên tiếp tục tăng cường trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất cơ chế phối hợp các nhà tài trợ cho Du lịch Việt Nam, tránh sự chồng chéo, lãng phí. Tổng cục trưởng cũng nhất trí sẽ tổ chức một diễn đàn du lịch lớn hơn dự kiến vào tháng 5/2016, đó là nơi sẽ tập hợp các nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp du lịch, địa phương, cơ quan quản lý... nhằm đề xuất các nhu cầu, giải pháp, phương hướng thúc đẩy các nguồn tài trợ về tài chính, kỹ thuật phục vụ sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.

Truyền Phương

Vietnam+