Chư B’Luck (Đắk Nông) - quần thể hang động núi lửa độc đáo
Cập nhật: 22/01/2016
(TITC) - Nằm ở cửa ngõ phía tây nam của Tây Nguyên, Đắk Nông sở hữu nhiều danh thắng đẹp như:  sông Sêrêpôk, thác Đray Sáp, thác Diệu Thanh, thác Ba Tầng..., trong đó quần thể hang động núi lửa Chư B’Luck (xã Buôn Choah, huyện Krông Nô) là điểm đến mới đang được nghiên cứu để đưa vào phục vụ du khách. 

Từ khu du lịch văn hóa sinh thái cụm thác Đray Sáp - Gia Long (huyện Chư Jút), du khách đi theo tuyến đường rừng dài 25km chạy men theo dòng sông Sêrêpôk sẽ đến quần thể hang động núi lửa Chư B’Luck. 

Có độ cao 593m so với mặt nước biển, núi lửa Chư B’Luck đã phun trào cách đây hàng triệu năm, hình thành nên quần thể các hang động dung nham kích thước lớn và mang vẻ đẹp kỳ thú. Quần thể hang động này đã được các chuyên gia của Bảo tàng Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) phát hiện và nghiên cứu vào năm 2007. Giai đoạn 2012-2013, với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản, quần thể hang động này tiếp tục được khảo sát, nghiên cứu lần 2. Tháng 12/2014, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chính thức công bố kết quả khảo sát hệ thống hang động dung nham Chư B’Luck.

Theo kết quả khảo sát, quần thể hang động dung nham Chư B’Luck dài khoảng 25km, tính từ miệng núi lửa tại xã Buôn Choar chạy dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Đray Sáp. Quần thể hang động này bao gồm gần 100 hang lớn, nhỏ. Phần lớn các hang hình ống, có nhiều nhánh thông nhau tạo thành những vòng tròn. Lòng các hang động lộ rõ cấu trúc đá bazan. Đặc biệt, trên thành hang có các đường vân hình thù kỳ thú được hình thành do sức ép của dòng dung nham tuôn chảy. 

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, quần thể hang động dung nham Chư B’Luck đẹp và có giá trị hơn so với các hang động dung nham đã được phát hiện tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nhà khoa học cũng đã đặt tên cho các hang động theo bảng chữ cái, tiêu biểu là hang C7 được đánh giá là hang dung nham thuộc hàng lớn nhất Đông Nam Á. Hang dài hơn 1km, có nhiều đặc trưng minh chứng cho quá trình phun trào của núi lửa như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt..., đặc biệt là nhiều hóa thạch khuôn cây. Khi núi lửa phun trào, dòng dung nham tuôn ra bao phủ cây cối trong rừng và sau đó đông cứng lại. Cây dần dần sẽ chết chỉ còn lại khuôn dung nham nên gọi là hóa thạch khuôn cây. Nền hang C7 có nhiều hoa văn, giống bề mặt dòng dung nham.

Hang C3 dài 594,4m, có các nham thạch và dung nham rất mịn, trên thành hang cũng có nhiều hóa thạch khuôn cây. Hang C6 là một trong số ít các hang có hố khí tựa như giếng trời do khối khí thoát ra trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy. Nhờ thế, ánh sáng mặt trời có thể chiếu vào trong lòng hang khiến cho khung cảnh nơi đây luôn rạng ngời, đầy màu sắc. Hang A1 dài 456,7m, lại có dòng nham thạch mang cấu trúc đặc biệt, trồi hẳn lên với hình dáng như một con đê...

Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản cho rằng, quần thể hang động Chư B’Luck tại Đắk Nông cơ bản hội tụ đủ yếu tố để xây dựng thành công viên địa chất quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu. Thời gian tới, Bảo tàng Địa chất Việt Nam và Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản tiếp tục hợp tác khảo sát chi tiết, đo đạc thông số của các hang động, đánh giá đặc điểm phân bố cũng như cơ chế tạo thành chúng, đồng thời đánh giá tổng thể các giá trị liên quan tới hệ thống hang động này.
 

Thanh Hải