Đông Triều (Quảng Ninh) nỗ lực phát triển du lịch
Cập nhật: 27/11/2015
(TITC) - Là vùng cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ninh, địa hình thị xã Đông Triều chủ yếu là đồi núi xen lẫn đồng bằng, hình thành nên nhiều thắng cảnh như: đỉnh Am Váp (cao 1031m), thung lũng Bình Khê – Tràng Lương, hồ Khe Chè, sông Kinh Thầy, sông Đá Bạc...

Ngoài ra, Đông Triều còn có 121 di tích lịch sử văn hoá có giá trị, tiêu biểu như khu di tích lịch sử nhà Trần, chùa Lê Chân, chùa Ngọa Vân… cùng nhiều nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, điêu khắc đá, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt thổ cẩm, đan lát,...

Hệ thống giao thông ở Đông Triều cũng thuận lợi. Từ đây có các tuyến đường sắt đường thủy, đường bộ đi Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và các tỉnh khác.

Nắm bắt tiềm năng du lịch sẵn có và để phát huy khai thác tối đa lợi thế này, Đông Triều đã xác định phát triển văn hoá - du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu từng bước xây dựng Đông Triều trở thành một trong 4 trung tâm du lịch của tỉnh. Theo đó, thị xã đã tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa trên các phương tiện truyền thông; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn cao; lập đề án, kế hoạch triển khai bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích ở Đông Triều...

Thị xã Đông Triều cũng đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân địa phương phát tâm công đức trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn thị xã như đền Thái, đình và chùa Hoàng Xá, chùa Ngoạ Vân, chùa Bắc Mã, cụm di tích Mỏ Mạo Khê...

Nhằm đẩy mạnh hình thức liên kết du lịch với các khu vực khác trong tỉnh và các tỉnh khác, thị xã còn đầu tư xây dựng tuyến đường từ chân núi Yên Tử, hồ Trại Lốc, phủ Am Trà dẫn lên chùa Ngoạ Vân; tuyến cáp treo tham quan chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên; tuyến đường từ chân núi Yên Tử dẫn lên chùa Hồ Thiên; tuyến đường nối khu di tích danh thắng Yên Tử  (TP. Uông Bí) với chùa Hồ Thiên, Ngoạ Vân, Quỳnh Lâm (thị xã Đông Triều) rồi kéo dài đến huyện Chí Linh (Hải Dương); tuyến đường từ phía tây Yên Tử dẫn tới chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); cổng vào và hệ thống vỉa hè tại khu di tích lịch sử nhà Trần...

Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch tại thị xã cũng rất phát triển với 78 cơ sở kinh doanh lưu trú, 65 nhà hàng có quy mô lớn. Bên cạnh đó, thị xã đã cho phép nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, nổi bật là khu du lịch làng quê Yên Đức và khu du lịch hồ Khe Chè.

Với những nỗ lực như trên, năm 2010, Đông Triều đã thu hút 263.445 lượt khách du lịch, năm 2014 là 400.000 lượt khách, ước tính năm 2015 thu hút trên 440.000 lượt khách. Đông Triều phấn đấu đến năm 2020, tổng số khách du lịch đạt từ 1 đến 2 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 500 tỷ đồng, nâng tỷ trọng đóng góp của du lịch trong ngành dịch vụ của thị xã đến năm 2020 là 30% và đến năm 2030 là 35%.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nhằm xây dựng Đông Triều trở thành một trung tâm du lịch có khả năng cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh và cả nước, giai đoạn 2015-2020, thị xã sẽ chủ động phát huy các sản phẩm du lịch đã có; xây dựng và phát triển các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch mới; tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, nhất là tại các danh thắng, điểm mua sắm, cơ sở lưu trú, ăn uống... Thị xã cũng dành một nguồn ngân sách để đa dạng hoá các hình thức đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu; huy động từ nguồn xã hội hoá trong việc thực hiện đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích; phục hồi một số lễ hội truyền thống tại khu di tích lịch sử  nhà Trần. 
 

Thanh Hải