Xã hội và nghệ nhân làng thuỷ tổ Quan họ (Bắc Ninh)
Cập nhật: 27/11/2015
Đời sống sinh hoạt Quan họ của Làng thủy tổ Quan họ Viêm Xá nay thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hình thành một “Xã hội Quan họ làng” mang tính xã hội hóa rộng rãi và toàn thể.

Các thành phần của xã hội Quan họ làng

Xuất phát từ một cái nhìn tổng thể thì xã hội Quan họ làng Viêm Xá luôn luôn tồn tại ba đội ngũ đan xen nhau.

Đội ngũ các cư dân trong làng: Là phần đông đảo nhất để tạo nên một xã hội Quan họ, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo và địa vị xã hội. Có thể thấy cái nét đẹp lạ lùng của Viêm Xá chính là sự bình đẳng đến hồn nhiên của tất cả mọi người về quyền được yêu thích và hưởng thụ những giá trị tinh thần mà các sinh hoạt Quan họ đem lại. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy từ trong lịch sử và cả trong hiện tại khi một sinh hoạt Quan họ được tổ chức, dù trong ngày hội, trong đám khao, trong một cuộc thi ca hát nào thì sinh hoạt này đều được dành cho tất cả mọi người. Ở đây người ta có thể thấy những người có chức sắc, những ông chủ giàu có, những cụ Thượng trong làng, những người dân bình thường nhất, những em bé... cùng xem, bình phẩm, cùng cổ vũ và tham gia vào sinh hoạt, nếu có thể. Cho nên từ trong tiềm thức người dân, Quan họ chính là tài sản tinh thần chung của cả làng; Quan họ đem lại sự ngọt ngào ấm áp cho tình cảm con người, củng cố sự gắn kết cộng đồng, mở rộng sự giao lưu với xã hội bên ngoài... Bởi thế sự trân trọng dành cho Quan họ đã trở thành tình cảm ứng xử thường nhật của mỗi người dân nơi đây và có lẽ cũng vì thế mà vô cùng bền chặt, sâu sắc.

Từ sự yêu thích, trân trọng hết sức tự nhiên, tự nguyện ấy, người dân Viêm Xá luôn sẵn sàng vun đắp, nâng đỡ những hoạt động Quan họ của làng hay do làng đăng cai mỗi khi có hội hè, đình đám... Xưa và nay, sẽ là những nghĩa cử đã trở nên rất bình thường ở Viêm Xá khi bạn thấy những người dân trong làng đem tặng cho những liền anh liền chị Quan họ của mình từng gánh gạo, từng bọc tiền, những bộ quần áo ngày hội, chiếc nón quai thao duyên dáng được chế tác cầu kỳ; và ít hơn, mộc mạc hơn lại có thể chỉ là một con gà, một mớ rau để làm cơm mời người kết giao Quan họ. Như vậy, đông đảo những người dân Viêm Xá đã đóng vai trò chủ yếu trong việc nuôi dưỡng vật chất và nâng đỡ tinh thần để giữ gìn và phát triển dân ca Quan họ.

Đội ngũ giữ vị trí hậu thuẫn trực tiếp: Ở Viêm Xá từ đầu thế kỷ XX đến nay luôn có đội ngũ này giữa một bên là đa số dân làng và một bên là đội ngũ nghệ nhân Quan họ đích thực. Theo kết quả điền dã của chúng tôi, đội ngũ này thường duy trì ở mức 6% dân số của làng vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám và khoảng 3% trong những năm gần đây. Với dân số Viêm Xá hiện nay là 3.038 người thì sẽ có khoảng 100 người thuộc đội ngũ hậu thuẫn trực tiếp này. Họ đều có tham gia sinh hoạt ca hát Quan họ, mỗi người thuộc khoảng vài ba chục bài trong số trên 200 bài ca Quan họ truyền thống, hiểu biết về phong tục - lề lối Quan họ, biết thưởng thức Quan họ một cách tinh tế, nhưng vì một lý do nào đó nên “giữa đường đứt gánh” song không khỏi tiếc nuối và mang theo một tâm lý buồn phiền. Chính tâm lý đó đã giúp cho một vài trường hợp trong số họ phấn đấu để vượt lên hoàn cảnh, nhập trở lại đội ngũ những người nghệ nhân Quan họ của làng. Những liền anh liền chị “vượt khó” này thường là những người ở vào thế o bế về hoàn cảnh như quá nghèo, quá neo đơn chứ không thuộc những người do kém khả năng phát triển... Trường hợp của ông Nguyễn Văn Ba (hiện nay 75 tuổi) từng là đội trưởng kiêm tác giả đặt lời của đội Quan họ Viêm Xá là một ví dụ. Bản thân ông là cán bộ về hưu, lương thấp; vợ ốm đau quanh năm, nhưng ông vẫn sắp xếp công việc để chèo lái đưa đội văn nghệ của làng giành nhiều phần thưởng trong các kỳ thi hát Quan họ ở huyện, tỉnh và tổ chức các canh hát tại làng trong các dịp hội, tết.

Mặc dù đây là đội ngũ có nhiều thiệt thòi trong đời sống Quan họ nhưng vẫn giữ những vị trí đáng kể có liên quan đến quá trình phát triển của Quan họ Viêm Xá mọi thời kỳ. Do có những phẩm chất nhất định về tài năng và trình độ thẩm định ca hát, nhiều người trong số họ đã giúp cho Quan họ làng phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân năng khiếu mới được lựa chọn từ rất nhiều trẻ em trong làng. Họ còn là chỗ dựa chuyên môn và tinh thần của đội ngũ các nghệ nhân trong các cuộc thi hát với các làng khác trong vùng. Thậm chí có người còn trở thành chủ chứa Quan họ (nhà đăng cai nơi diễn ra sinh hoạt Quan họ của liền anh liền chị), có người trở thành tác giả đặt lời “bẻ làn nắn điệu” và góp phần cung cấp những bài Quan họ “độc” (bài được đặt lời mới trên cơ sở một giọng lề lối cổ mà khi hát lên đối phương bị bất ngờ, khó đối lại) cho các nghệ nhân để cầm chắc phần thắng tại các cuộc thi hát đối đáp Quan họ trước những đối thủ danh tiếng trong vùng.

Đội ngũ tinh hoa của Quan họ: Đội ngũ làm chủ trong các sinh hoạt văn nghệ Quan họ của làng và nhận lãnh trọng trách “đem chuông đi đấm nước người” ở các làng Quan họ khác. Ngày nay, chúng ta gọi những người thuộc đội ngũ này bằng cụm từ “Nghệ nhân Quan họ” dựa vào sự thừa nhận mặc nhiên của dân chúng trong làng, ngoài làng thông qua trình độ và sự đóng góp nghệ thuật của họ.

Những tiêu chí dân gian của nghệ nhân

Để có thể xếp vào hàng ngũ những nghệ nhân, các liền anh, liền chị phải đảm bảo đạt những tiêu chí dân gian.

Người hát phải là thành viên chính thức của một bọn chơi Quan họ. “Bọn Quan họ” là tên người dân Viêm Xá đặt để chỉ một nhóm liền anh hoặc liền chị có những nét thống nhất riêng về trình độ, phong cách chơi gồm khoảng từ 2 đến 4 cặp. Nhưng có một nguyên tắc là bọn nam riêng, bọn nữ riêng chứ không phải là cặp một nam một nữ như có người lầm tưởng. Chỉ khi vào các cuộc hát, đặc biệt là hát kết bạn hoặc các bạn mời nhau đi dạo trong ngày hội thì người xem mới thường thấy bên cặp nam và bên cặp nữ sóng đôi, sóng tư, nhưng đấy là của hai làng khác nhau. Còn khi nói mỗi bọn, ngoài những nét chung về mặt sinh hoạt, nghệ thuật với các bọn khác trong làng thì còn có những nét riêng và chính những nét riêng này đã đem lại sự hấp dẫn phong phú cho những canh hát thâu đêm suốt sáng hoặc những cuộc thi giật giải Quan họ. Chẳng hạn bọn Quan họ của nghệ nhân Nguyễn Thị Các (đã mất) và Ngô Thị Lịch (hiện nay 86 tuổi) khi đi hát tuyệt nhiên không vận Kiều để đối đáp trong phần lời của các bài hát cho dù có thể rất thuộc Kiều. Khi được hỏi lý do tại sao các cụ lại có quy định đó, thì các cụ giải thích rằng như vậy là vay mượn không xứng các tài của người ca Quan họ.

Về số lượng bọn Quan họ, theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Thị (đã mất) thì trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Viêm Xá có 9 xóm được hình thành trên cơ sở phân chia ngõ hoặc vị trí địa lý trong làng gồm: xóm Đông, xóm Giữa, xóm Dộc (xóm ở sát mép nước cạnh hồ ao giữa một cánh đồng chiêm trũng), xóm Đình, xóm Trước, xóm Sau, xóm Chùa, xóm Đền, xóm Đò. Tương ứng với mỗi xóm là một bọn Quan họ.

Mỗi bọn Quan họ này vào thời điểm cao nhất, khoảng trước năm 1935, có thể có tới 5 cặp liền anh hoặc liền chị (tức 10 người), vậy tính ra số lượng nghệ nhân của làng lên tới con số dao động từ 60 đến 80 người.

Người hát phải đủ bản lĩnh và trình độ tham gia trực tiếp vào các cuộc hát ở mọi hình thức ca hát Quan họ như hát hội, hát giải, hát kết bạn... Đối với nghệ nhân Quan họ Viêm Xá ngay từ khi được lựa chọn trong rất nhiều liền anh liền chị khác để thay mặt làng, nhân danh làng tham dự một cuộc thi hát, một nghi lễ ngày hội như hát thờ, hát giải hạn, hát kết chạ nào đó là có nghĩa họ đã nhận lãnh một vinh dự, một trách nhiệm nặng nề trước cộng đồng làng mình và họ phải có nghĩa vụ đem lại vinh quang danh tiếng cho làng. Đó là một sức ép tâm lý. Những khi hát trước một ban chủ khảo đầy uy quyền nghệ thuật gồm những vị chức sắc trong làng, những “Quan họ cựu” danh tiếng trong vùng và đông đảo người xem, nghệ nhân còn chịu một sức ép tâm lý cao nữa đó là sự đánh giá, thẩm định của dư luận. Khi ấy, một bản lĩnh vững vàng, một tinh thần tỉnh táo, một tâm lý tự tin sẽ là đảm bảo quan trọng cho sự thành công của người hát. Sau cùng là một trình độ ca hát vừa điêu luyện vừa đầy đủ về vốn liếng lời ca và giọng điệu. Tất cả những phẩm chất đó chỉ có thể được tích luỹ nhờ năm tháng, lòng đam mê, năng khiếu trời phú và một công phu rèn luyện.

Người hát phải được chính dân làng Viêm Xá và bạn hát Quan họ vùng Kinh Bắc gọi là anh Hai - chị Hai, anh Ba - chị Ba, anh Tư - chị Tư, anh Năm - chị Năm... và phải có khả năng dìu dắt, truyền dạy cho lớp “em bé” sớm trở thành các nghệ nhân kế cận.

Về tên gọi anh Hai - chị Hai... thì có một nhận xét chung cho các làng Quan họ được ghi trong sách Tìm hiểu dân ca Quan họ (Trần Linh Quý, Hồng Thao, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997) là: “Mỗi bọn Quan họ thường có 4, 5, 6 người và được đặt tên là chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm hoặc anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm. Có đôi làng có đến anh Sáu, chị Sáu. Nếu số người đông đến 7, 8 người thì có thể đặt thêm anh Ba (bé), chị Tư (bé)... mà không đặt anh Bẩy, chị Tám .v.v. Không có chị Cả, anh Cả trong bọn Quan họ”. Đặc biệt ở Viêm Xá tên gọi liền anh liền chị dường như là để chỉ những người có ca hát Quan họ nói chung chứ nếu đã được gọi là anh Hai, chị Hai... thì có nghĩa đó là những nghệ nhân đích thực. Nếu quả thật như vậy thì quan niệm “liền anh liền chị” và “anh Hai, chị Hai...” là những quan niệm chỉ ra các thứ bậc khác nhau trong phân loại người ca hát Quan họ.

Mặt khác các anh Hai, chị Hai, anh Ba, chị Ba này phải có khả năng kèm cặp, truyền dạy cho lớp trẻ tất cả những gì có thể thuộc về tiêu chí của một nghệ nhân để sau này họ có thể tiếp nối vai trò của lớp liền anh liền chị đi trước. Ở Viêm Xá, lớp trẻ theo học Quan họ này gọi là các “em bé”.

Như vậy, sự phân biệt giữa đội ngũ các nghệ nhân Quan họ với các lực lượng khác của xã hội Quan họ làng (cụ thể là các đội ngũ 1 và 2 đã trình bày ở trên) chính là sự phân biệt giữa một bên có trình độ chơi Quan họ và một bên ở trình độ hiểu biết Quan họ. Từ hiểu biết Quan họ để tiến tới chơi Quan họ là cả một chặng đường dài tôi luyện, học hỏi và vì vậy nhiều khi là cái ngưỡng khó có thể vượt qua nếu thiếu vắng yếu tố năng khiếu ở mỗi người; có lẽ tầm quan trọng của người nghệ nhân Quan họ và lý do để họ được yêu mến trong xã hội Quan họ làng cũng còn là ở chỗ đó. 

langvietonline.vn