Cô Tô (Quảng Ninh) - điểm sáng du lịch cộng đồng
Cập nhật: 15/09/2015
Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở Cô Tô (Quảng Ninh) tập trung phát triển nhiều nhất ở hai xã Đồng Tiến và Thanh Lân.

Cách đây 4 năm, mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên được tổ chức tại xã Đồng Tiến kết hợp giữa việc tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân trên đảo. Du khách được trải nghiệm cuộc sống ngay tại nhà dân, tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày như đánh cá, câu mực như những ngư dân thực thụ hay cùng đốt lửa trại, trồng cây, tham quan các điểm đến tại Cô Tô như bãi đá, ngọn hải đăng, bãi  biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, rừng nguyên sinh và mua những món đồ lưu niệm từ người dân địa phương chế tác...

Để tạo điều kiện giúp người dân tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng, thời gian qua Cô Tô đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Hệ thống thông tin trên đảo cũng được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu liên lạc của du khách.

Bên cạnh đó, để giúp cho nhân dân hiểu được về kỹ năng phục vụ khách du lịch khi tham gia vào chương trình du lịch cộng đồng, huyện đã cử các cán bộ của huyện, cán bộ, nhân viên của một số công ty lữ hành du lịch tới từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các kỹ năng như giao tiếp với du khách, nấu ăn, vệ sinh, xây dựng đội văn nghệ… Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch, Cô Tô đã ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển dịch vụ, du lịch. Cụ thể, trong năm 2012 và 2013, UBND huyện Cô Tô đã trình HĐND huyện ban hành cơ chế hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng với mức vay 200 triệu đồng cho mỗi hộ dân để xây nhà mới có đủ điều kiện đón khách du lịch; hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ dân xây dựng nhà vệ sinh khép kín để phục vụ sinh hoạt của gia đình và đón khách du lịch. UBND huyện còn triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân sửa chữa, cải hoán, đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản kết hợp dịch vụ đưa đón khách du lịch với mức hỗ trợ từ 15-30 triệu đồng/hộ. Ông Nguyễn Duy Phong, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Lân cho biết, nhờ có cơ chế hỗ trợ, một số gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào hệ thống nhà nghỉ, khách sạn phục vụ khách du lịch. Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Lân có 21 khách sạn, nhà nghỉ với trên 100 phòng sẵn sàng đón khách du lịch đến Thanh Lân, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Ông Phong cho biết thêm, năm 2014, Thanh Lân đã đón 3.000 khách du lịch đến đảo, doanh thu ước tính 700 triệu đồng. Du lịch Thanh Lân phát triển, hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, biệt thự mọc lên, diện mạo xã đảo Thanh Lân đã có những thay đổi tích cực. So với xã Thanh Lân, mô hình du lịch cộng đồng ở xã Đồng Tiến phát triển mạnh hơn, ông Trần Văn Dinh, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết, trong những năm gần đây các dịch vụ phục vụ cho khách du lịch đến địa bàn xã tăng nhanh. Hiện trên địa bàn xã có 17 khách sạn, nhà nghỉ bình dân, 15 hộ dân kinh doanh tại các bãi biển... Năm 2014 lượng khách du lịch đến đảo và địa phương tăng đột biến, Đồng Tiến đã đón khoảng 10 vạn lượt du khách đến tham quan du lịch, doanh thu ước trên 10 tỷ đồng. Nhìn chung về dịch vụ, hoạt động thương mại phát triển, có sự chuyển dịch cơ cấu đáng kể từ sản xuất nông - ngư nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần tạo việc làm với thu nhập cao cho nhân dân trong xã. Số lượng khách du lịch đến với xã ngày một tăng, nhiều hộ dân trong xã đăng ký làm du lịch cộng đồng kiểu homestay.

Chị  Nguyễn Minh Huệ, thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, một thôn có rất nhiều hộ dân làm du lịch cộng đồng, cho biết: Năm nay là năm đầu tiên gia đình chị tham gia vào hoạt động du lịch này. Ngoài tận dụng phòng ở hiện có, gia đình chị cũng đã đầu tư, vay mượn thêm gần 300 triệu đồng để xây thêm 2 phòng nghỉ, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ khách. Gia đình chị bắt đầu đón khách vào dịp nghỉ lễ 30-4 vừa rồi. Không chỉ phục vụ khách ăn uống, khi đoàn khách có nhu cầu, chị tham gia làm hướng dẫn viên giới thiệu khách đi tham quan những điểm du lịch trên địa bàn huyện. Chị bảo, ngoài thu nhập từ làm dịch vụ, công việc giao lưu, giới thiệu với khách du lịch những cảnh đẹp của quê hương khiến chị thấy vui, thấy yêu quê hương mình hơn. Cũng ở xã Đồng Tiến, gia đình anh Vũ Văn Hữu (thôn Nam Đồng) cho biết: Năm 2012, gia đình anh bắt đầu làm du lịch. Chỉ vào ngôi nhà nghỉ 3 tầng khang trang, anh bảo, trước đây đó chỉ là một ngôi nhà nhỏ, gia đình sử dụng làm dịch vụ homestay, nhưng mấy năm nay, lượng khách du lịch đến Cô Tô tăng, anh quyết định đầu tư xây ngôi nhà này với hơn 10 phòng nghỉ để phục vụ khách. Ngoài kinh doanh nhà nghỉ, gia đình còn kinh doanh thêm các dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp... Anh Hữu chia sẻ: “Những năm trước, gia đình tôi làm nông nghiệp, sau đó thì mới chuyển sang làm du lịch homestay. Qua một năm thấy thu nhập của gia đình hơn hẳn so với làm nông nghiệp...”. Đây cũng là động lực để gia đình anh tiếp tục đầu tư phát triển cho những năm tiếp theo. 

Theo lãnh đạo huyện Cô Tô cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại chỗ, từng bước chuyên nghiệp hoá trong hoạt động du lịch, Cô Tô đã thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo nghề du lịch mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn và lớp trung cấp chuyên nghiệp du lịch, có cơ chế đào tạo liên thông lên cao đẳng, đại học cho thanh niên trong huyện. Đồng thời, bồi dưỡng khuyến khích phát triển lực lượng hướng dẫn viên không chuyên để giới thiệu cho khách du lịch về tiềm năng thế mạnh và các địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện. Huyện cũng đã thành lập các CLB, hội nghề nghiệp phục vụ du lịch như hội xe ô tô và ô tô điện, xe ôm, hội các nhà hàng, nhà nghỉ, hội gia đình đón khách du lịch để liên kết phát triển du lịch.

Báo Quảng Ninh