Về Hòn Lay (Khánh Hòa) tắm nước nóng
Cập nhật: 22/07/2015
Những ngày hè nóng bức, ở mó nước nóng đầu thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, tỉnh Khánh Hòa lúc nào cũng tấp nập người. Chị Cao Thị Bình, người trong thôn cho biết: “Nước ở đây tuy nóng nhưng khi tắm xong lại cảm thấy người rất khoan khoái, không còn mệt mỏi. Mùa hè, tắm nước nóng ở mó nước này thấy dễ chịu hơn nhiều”.

Mó nước nóng ở đây rất kỳ lạ, mùa nào cũng thế, nước luôn chảy đều đặn. Trong khi các buôn làng khác chật vật với nguồn nước sinh hoạt, ruộng rẫy khô cằn nứt nẻ thì người dân thôn Hòn Lay lại dư dả nước để sử dụng, ruộng lúa nước xanh mơn mởn quanh năm. Chị  Y Ban (thôn Hòn Lay) cho biết: “Nhờ nước suối nóng mà dân làng Hòn Lay trồng lúa một năm đến 3 vụ, vụ nào cũng tốt tươi, cho năng suất rất cao”. Còn theo các già làng trong thôn, mạch nước này từng gây cơn sốt liên tỉnh với hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về cầu khẩn được “mẹ suối thần”... độ mạng.

Ông Cao Minh Tuấn - Chủ tịch UBMTTQ xã Khánh Hiệp cho biết: “Ở Hòn Lay có 2 mó nước nóng. Nó phát lộ cách đây khoảng hơn chục năm. Hồi đầu, người dân khắp nơi kéo về đây tắm, lấy nước uống để chữa bệnh theo lời đồn đoán. Sau này, sự việc lắng xuống, người dân địa phương đã xây bể bao quanh nhằm giữ nguồn nước và vệ sinh chung cho thôn bản”. Giờ đây, mó nước nóng tự nhiên ở thôn Hòn Lay chính là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người Ê-đê bản địa. Từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, trẻ em, thanh niên, người làng ra đây tắm rất đông. Không chỉ người dân của 2 làng Y Bảo và Y Nhum (thuộc thôn Hòn Lay), người dân các thôn khác ở Khánh Hiệp như Ba Cẳng, Soi Mít, Cà Thêu.... cũng đến tắm và lấy nước về dùng. 

Tiềm năng du lịch 

Được biết, xã Khánh Hiệp có ít nhất 5 mạch nước nóng được tìm thấy nhưng mạch nước chuẩn nhất là ở thôn Hòn Lay. Theo ông Cao Minh Tuấn, gọi là chuẩn vì mạch nước này không quá nóng, gần đường đi, nước chảy mạnh, đều. Với những mạch nước nóng tự nhiên như thế, Hòn Lay có nhiều tiềm năng về du lịch. Già làng Y Nhum (thôn Hòn Lay) mong ước: “Giá như ở đây có nhà đầu tư nào làm du lịch thì sẽ mở ra nhiều triển vọng cho kinh tế địa phương phát triển. Với địa hình núi, đồi trùng điệp, nhiều sản vật của rừng cộng thêm mó nước nóng tự nhiên, nơi đây sẽ là điểm đến thú vị cho du khách thành phố”.

Được biết, để bảo vệ nguồn tài nguyên này, nhiều năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã nghiêm cấm mọi hành vi khoan sâu vào mạch nước. Đây cũng chính là lý do mà năm 2004, huyện Khánh Vĩnh đã tiến hành đình chỉ, bắt khôi phục nguyên trạng việc chặt cây rừng, tháo nước chặn dòng chảy một mạch suối nước nóng và xây đắp hồ của một hộ dân để kinh doanh, cách suối nước nóng ở thôn Hòn Lay khoảng 4km.

Theo người dân địa phương, các mạch nước ngầm ở xã Khánh Hiệp không chỉ đơn thuần để tắm, nó còn tốt cho sức khỏe. “Ở làng cả chục năm rồi, bà con chỉ uống nước nóng, uống nhiều rồi quen. Nước suối nóng uống ngon, lại chữa được một số bệnh ngoài da, đường ruột” - già Y Nhum nói. 

Chia tay Hòn Lay, chúng tôi vẫn nghĩ về những tiềm năng du lịch chưa được khai thác ở đây. “Nếu có đối tác đầu tư tiềm năng du lịch ở Khánh Hiệp thì những mạch nước nóng tự nhiên ở đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa”, ông Võ Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp hy vọng.

Báo Khánh Hòa