“Homestay” - loại hình du lịch tiềm năng của Yên Bái
Cập nhật: 14/07/2015
“Homestay” là loại hình du lịch nghỉ, ngủ tại nhà dân, nơi mà du khách đặt chân đến. Đây là loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục, tập quán của nhiều nền văn hoá trên mỗi vùng, miền. Hình thức du lịch này chủ yếu dành cho các du khách tham gia loại hình du lịch “phượt”, du khách nước ngoài và gần đây là khách du lịch nội địa.

Một chuyến du lịch ngắn ngày không quá tốn kém về mặt kinh phí, song du khách được đến với các bản, làng xinh đẹp còn nguyên nét văn hóa dân tộc truyền thống, với những khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng... mà lâu nay chỉ được biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đang được nhiều người lựa chọn. Khi lựa chọn “Homestay”, du khách được ở và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình. Để rồi, hiểu hơn về cuộc sống và con người, vùng đất đó khi được cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia sinh hoạt với gia đình chủ nhà trong không khí ấm cúng và thân thiện. Hơn thế, hình thức lưu trú này cũng khá hợp lý về giá cả, phù hợp với mọi đối tượng.

Dịch vụ “Homestay” ở Yên Bái được bắt đầu từ năm 2005 ở bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), sau đó là thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (huyện Yên Bình), gần đây là bản Kim Nọi (thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải). Đến nay, dịch vụ “homestay” liên tục gia tăng ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các hộ kinh doanh dịch vụ này ở thị xã Nghĩa Lộ có khoảng 24 hộ; bản Kim Nọi, thị trấn Mù Cang Chải 12 hộ; thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) 10 hộ; thôn Cầu Có, xã Đông Cuông (Văn Yên) 3 hộ.

Để phát triển loại hình du lịch “homestay”, các hộ gia đình đã cải tạo ngôi nhà của mình và tự trang bị cho khách những đồ dùng cần thiết để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân của du khách. Nơi nghỉ, ngủ được bố trí vách ngăn bằng nứa hoặc một tấm ri - đô bằng thổ cẩm hay vải hoa khổ lớn; chăn, đệm cũng được làm thủ công truyền thống của địa phương như đệm, gối bông lau hay bông gạo… tuỳ theo bản sắc từng địa phương và điều kiện các hộ gia đình. Ngoài dịch vụ nghỉ, ngủ cho khách, các gia đình còn kết hợp bán một số mặt hàng địa phương làm quà lưu niệm như: thổ cẩm, quần áo dân tộc, đệm ghế, gối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan… cùng các đặc sản mật ong hoa rừng, các sản phẩm từ quả sơn tra (táo mèo), mở dịch vụ tắm lá thuốc dân tộc, xông hơi rất hấp dẫn với du khách.

Ngoài ra, đến với mỗi địa phương, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản như: xôi ngũ sắc, các món ăn được chế biến từ cá suối, rau rừng, măng sặt, rêu đá, thịt lợn muối chua, thịt trâu khô, thịt lợn sấy, cơm nương, hoa chuối rừng nộm, thịt gà nấu măng chua… rất đặc trưng. Du khách còn được hòa mình vào những làn điệu dân ca, Xình ca, những điệu múa Xúc tép, Chim gâu hay tìm hiểu phong tục truyền thống trong lễ Cấp sắc, rước dâu của hai dân tộc Dao và Cao Lan huyện Yên Bình.

Đến với “Homestay”, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hoá bản địa, tập tục sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hoá dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống như: ủ và nấu rượu, xay mèn mén, se lanh, dệt vải, thổ cẩm, rèn dao, lưỡi cày, chạm khắc bạc… Đến mùa gặt có thể cùng người dân tham gia gặt, đập lúa trên những thửa ruộng bậc thang, cùng tham gia giã cốm, giã bánh dày…

“Homestay” tại mỗi gia đình có thể đón khoảng 10 đến 30 du khách, giá một tối nghỉ khoảng 70 đến 80.000 đồng/ người. Nếu du khách có nhu cầu ăn uống được tính 100.000 đồng/suất ăn. Đối với mỗi gia đình làm dịch vụ, một năm đón vài trăm lượt khách như hộ ông Tòng Văn Dơn ở bản Kim Nọi cũng mang lại một khoản thu nhập đáng kể. Ông Dơn phấn khởi cho biết: “Từ ngày có dịch vụ này, các hộ gia đình có thêm thu nhập, tuy chưa ổn định song cũng góp phần quan trọng thay đổi cuộc sống đấy”.

Ông Lường Văn Sanh - chủ một hộ “homestay” cùng ở bản Kim Nọi, thì chia sẻ: “ Khách du lịch đến với địa phương chủ yếu là đi lẻ, thỉnh thoảng có nhóm đi theo gia đình và nhóm bạn với nhau, song thường xuyên nhất là khách nước ngoài, như: Anh, Pháp, Canada... Chúng tôi đón khách quanh năm, song đông nhất vẫn là khoảng tháng 8 đến tháng 10…”.

Phải khẳng định rằng, loại hình du lịch “Homestay” đã làm thay đổi bộ mặt thôn, bản nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu. Bởi, khi các gia đình kinh doanh dịch vụ đã đầu tư, sửa sang ngôi nhà của mình cũng như mua sắm, sắp đặt nội thất trong nhà sạch đẹp và văn minh, song vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình. Đường sá cũng phong quang, sạch sẽ hơn, cây xanh, cây cảnh được trồng, chăm sóc để tạo cảnh quan cho thôn, bản và gia đình.

Là loại hình du lịch có tiềm năng, tuy nhiên dịch vụ “homestay” ở Yên Bái vẫn còn nhiều hạn chế, do từ tự phát của người dân nên việc phục vụ còn đơn giản; dịch vụ phục vụ du khách còn chưa nhiều; người dân chưa có kinh nghiệm cũng như không thông thạo ngoại ngữ; công trình vệ sinh còn chưa được quan tâm, các dịch vụ du lịch để giữ chân du khách còn nghèo, thiếu kinh phí đầu tư… Để quản lý, khai thác có hiệu quả “Homestay” cần phải có những giải pháp để loại hình du lịch ngủ, nghỉ tại nhà dân phát triển toàn diện.

Thực tế, trong năm 2014 – 2015, Ban quản lý Dự án EU - Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái mở các khoá tập huấn về du lịch cộng đồng có trách nhiệm cho các đối tượng là người dân làm du lịch cộng đồng ở các huyện: Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Yên, nhằm hướng dẫn cho lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng giao tiếp với khách du lịch, cách bài trí, sắp xếp ngôi nhà của mình, hướng đầu tư kinh doanh các sản phẩm du lịch… Tuy nhiên, đấy mới chỉ là bước đầu để người dân có thêm kiến thức phục vụ cho khách du lịch ở mức nhận biết.

Năm 2012, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã phê duyệt dự án: "Mô hình du lịch cộng đồng khu vực nông nghiệp - nông thôn xã Nghĩa An” với tổng mức đầu tư 980 triệu đồng. Dự án thực hiện trong hai năm 2012 - 2013 để sửa sang đường giao thông, mở lớp tập huấn, tu sửa, nâng cấp nhà, khôi phục nghề truyền thống… Năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 260 triệu đồng cho các hộ làm “homestay” ở xã Nghĩa An, song mới chỉ là đầu tư sang sửa lại nhà cửa và trang bị một số đồ dùng thiết yếu phục vụ khách du lịch.

Để homestay được lan rộng và thực sự hiệu quả, các hộ kinh doanh loại hình du lịch “homestay” rất cần được hướng dẫn cách tổ chức và phục vụ các đoàn khách cụ thể từ: phòng nghỉ, các món ăn, những điểm tham quan, hướng dẫn khách trong các sinh hoạt của gia đình, cách trò chuyện với khách, giới thiệu văn hoá của địa phương…; cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc đầu tư, xây dựng một số công trình thiết yếu để phục vụ khách du lịch; cần được tham quan học hỏi tại các địa phương đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bà Hoàng Thị Vân - Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Bà con ở đây rất tâm huyết với dịch vụ du lịch này, vì đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, song mong muốn nhất của bà con là có sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn về kỹ năng kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để giữ chân du khách, có các liên kết về tour du lịch để thường xuyên có khách…”.

Quả thực, việc phát triển “homestay” là một trong những hướng đi có tiềm năng cho du lịch Yên Bái, dịch vụ này cần được phát triển tới các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch, nhằm đưa loại hình dịch vụ này ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Báo Yên Bái