Ngắm ruộng bậc thang Sa Pa (Lào Cai) mùa nước đổ
Cập nhật: 14/07/2015
Khí hậu mát mẻ và trong lành của Sa Pa (Lào Cai) thu hút du khách đến với miền cao này. Mùa hè ở Sa Pa cũng là mùa nước đổ. Ruộng bậc thang vào mùa nước đổ lung linh và kỳ vĩ.

Miền núi cao Sa Pa được người Pháp đặt chân đến và khai thác từ rất sớm, ngót nghét đã trên một thế kỷ. Từ đó, hình thành một khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên và đa sắc văn hóa của các dân tộc. Thời tiết miền này vô cùng mát mẻ vào mùa hè, lạnh vào mùa đông. Những năm gần đây, thường có tuyết rơi vào cuối năm. Trong một ngày, bốn mùa được thể hiện rõ rệt vào sáng, trưa, chiều, tối, ứng với thời tiết của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Địa hình đồi núi trắc trở, xen lẫn những thung lũng, ao, hồ, thác, suối… tạo cho Sa Pa cảnh quan hút hồn du khách ngay từ lần đầu đặt chân đến.

Nổi bật trên bức tranh hữu tình của miền núi Sa Pa là những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ thung lũng sâu đến đỉnh những ngọn đồi vắt ngang lưng chừng trời. Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống miền núi cao, ruộng bậc thang khô khốc như bừng sống dậy. Người dân bản địa dẫn nước từ các khe suối về ruộng, rồi dắt trâu ra cày bừa, bắt đầu mùa vụ mới. Đó cũng là thời điểm bắt đầu của mùa vụ du lịch ruộng bậc thang, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới về đây thưởng lãm.

Ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) bình chọn là một trong bảy ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Người dân bản địa tận dụng đồi núi đất để trồng lúa nước. Họ khai khẩn và chia đồi núi thành nhiều bậc, be bờ để làm ruộng. Cứ thế, hết đời này sang đời khác, núi đồi trở thành những thửa ruộng bậc thang cao chất ngất. Nhà càng giàu thì càng có nhiều ruộng bậc thang. Một số ít nhà sở hữu trên trăm bậc thang, chiếm hết một quả đồi cao. Những thửa ruộng rất đặc trưng này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hút hồn du khách để Sa Pa trở thành điểm đến và trở lại của nhiều người.

Vừa bước ra khỏi những dãy nhà của thị trấn, ruộng bậc thang hiện ra trước mắt với vô vàn những tầng bậc loang loáng nước dưới ánh mặt trời. Mùa nước đổ, ruộng bậc thang trở nên đầy sức sống và sinh động. Những nơi dẫn nước về sớm nay đã xanh màu lá mạ. Ruộng có nước muộn thì đang vào lúc cày cấy. Con trâu, cái cày và nông dân cần mẫn làm việc trên những bậc thang. Trông từ xa, ruộng bậc thang như một bức sơn mài khổng lồ. Càng đi xa thị trấn, ruộng bậc thang càng cao và càng nhiều. Có những đoạn, ruộng bậc thang vây quanh bốn bề, trông thật ngoạn mục. Du khách nước ngoài thường chọn tour đi bộ từ thị trấn vào bản. Đường đi là địa hình đồi núi men theo hoặc xuyên ngang những thửa ruộng bậc thang. Dẫn đường là người dân bản địa. Đó là những cô gái trẻ mộc mạc và vô cùng thân thiện. Các cô rành rọt tiếng Anh, trò chuyện với khách suốt hành trình về đời sống, văn hóa của các dân tộc miền núi cao Sa Pa.

Để thưởng lãm hết vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của ruộng bậc thang, du khách nên dành thời gian 2-3 ngày di chuyển từ thành phố Lào Cai đi theo đường ven biên giới lên Bát Xát rồi đến Y Tý trước khi xuống Mường Hum và quay xuống Sa Pa. Toàn bộ hành trình này hơn 200 cây số nhưng đi qua không biết bao nhiêu những thửa ruộng đẹp mê hồn. Nếu đi vào cuối tuần, du khách có thể tham gia được chợ Y Tý vào thứ bảy và Mường Hum vào chủ nhật. Và càng trọn vẹn hơn nếu du khách đến với Y Tý vào những ngày có mây. Y Tý nằm trên cao chót vót. Mây là đà bên dưới. Những ngọn núi cao xa xa phía chân trời ẩn hiện trong biển mây như những hòn đảo thần tiên. Để thưởng thức hết vẻ đẹp thiên nhiên, phương tiện tốt nhất là xe máy và ô tô thuê riêng. Phương tiện công cộng vùng này không nhiều, các chuyến xe luôn chất đầy người và hàng.

Mùa nước đổ, các nhiếp ảnh gia, các phượt thủ và du khách quốc tế nườm nượp đổ lên Sa Pa rồi bủa đi khắp nơi để săn ảnh. Để rồi sau đó trở lại vào giữa vụ khi lúa đang lên xanh. Ruộng bậc thang chuyển sang vàng óng ả vào cuối tháng chín, kéo dài đến hết tháng mười dương lịch, lại một lần nữa kéo chân du khách đến đây chiêm ngưỡng trước khi bước vào mùa đông tuyết trắng xóa vào thời điểm cuối năm. Đó là sức hút kỳ lạ của ruộng bậc thang.

Báo Cần Thơ