Phục dựng Lễ hội Té nước của dân tộc Lào ở Điện Biên
Cập nhật: 21/04/2015
Đã rất lâu rồi, người dân tộc Lào ở xã Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lại mới được hòa mình vào ngày hội Bun huột nặm (hay còn gọi là Tết té nước) cổ truyền của dân tộc mình.

Tết té nước, lễ hội đặc trưng của dân tộc Lào với nhiều ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh của dân tộc, qua một thời gian dài bị lãng quên đến nay mới được phục dựng lại.

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Lào có khoảng 4.500 người. Người Lào ở Điện Biên cũng có lễ hội té nước cổ truyền như người Thái, người Khmer. 

Dù có nhiều hoạt động khác nhau trong lễ hội nhưng các dân tộc này đều có chung quan niệm là để tẩy rửa những điều không may mắn của năm cũ để bước sang năm mới gặp nhiều may mắn, cầu trời cho mưa xuống để mùa màng bội thu, muôn vật sinh sôi, nảy nở. 

Tuy nhiên, với đồng bào Lào ở Điện Biên thì sau gần 30 năm vắng bóng, đến nay, lễ hội truyền thống này mới được phục dựng trở lại. 

Với mục đích gìn giữ và phát huy sự đa dạng bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các ban ngành chức năng, cùng đồng bào dân tộc Lào dày công phục dựng lại lễ hội này.

Đoàn người Xin nước là phụ nữ trong bản do bà Mo dẫn đầu, mang theo lễ vật đi đến từng nhà để xin nước, xin lộc trời. Khi đến mỗi nhà, đoàn Xin nước không được phép lên Nhà trời mà phải đứng ở dưới cùng đọc bài khấn đồng dao. 

Chủ nhà thay mặt bà con xin với thần linh cho mưa đúng thời vụ, cây cối sinh sôi nẩy nở, không bị sâu bệnh phá hoại.

Sau khi đi hết các nhà trong bản, đoàn Xin nước mang lễ vật ra suối xếp thành mâm, mời thần trời, thần đất, thần suối chứng giám. 

Sau khi khấn lễ, bà con dân bản ào xuống suối, té nước lên nhau, ai càng ướt nhiều thì càng được nhiều may mắn may mắn. Bên cạnh đó cũng diễn ra rất nhiều trò chơi dân gian của dân tộc Lào. 

Người dân tộc Lào ở Na Sang nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Các sản phẩm dệt của người Lào ở Na Sang với họa tiết tinh xảo, đặc sắc rất được ưa chuộng trên thị trường. 

Bởi vậy, việc phục dựng lại lễ hội té nước truyền thống sẽ là một trong những điểm nhấn để lễ hội cùng với làng nghề thổ cẩm trở thành thương hiệu thu hút du lịch của địa phương trong những năm tới.

TTXVN/VIETNAM+