Một ngày ở cù lao Giêng
Cập nhật: 20/11/2008
Nằm trên sông Tiền, giữa Đồng Tháp và An Giang, với chiều dài 12km, chiều rộng 7km, bốn bề sum suê cây trái, cù lao Giêng (An Giang) có nhiều di tích, kiến trúc cổ từ thời Pháp thuộc đáng để lữ khách phương xa khám phá.

Nổi bật nhất của toàn cảnh cù lao Giêng là những kiến trúc tôn giáo đặc trưng của thời kỳ Pháp thuộc. Nhà thờ Cù Lao Giêng, theo những cư dân bản địa, đây là ngôi thánh đường đầu tiên của xứ Nam Kỳ, là cầu nối giữa các cha truyền đạo bên Cao Miên (Campuchia) và Việt Nam; đây cũng là trạm trung chuyển các vật dụng cần thiết cho việc sinh hoạt và truyền đạo bằng ghe đò lên miền thượng sang Campuchia.

Ngôi thánh đường mang lối kiến trúc rặt Pháp được gìn giữ cẩn thận và nguyên vẹn với tháp chuông cao vút, các trụ cột thiết kế liên hoàn, kết hợp cùng các ô gió và tháp nhỏ để tạo thành một kiến trúc nguy nga, hoành tráng.

Không xa nhà thờ Cù Lao Giêng, những căn nhà xưa được xây dựng từ năm 1916 đều mang lối kiến trúc nhà rường gỗ ba gian hai chái, tường gạch bao tứ diện. Sân nhà là những chậu kiểng cổ mai chiếu thuỷ với dáng thế “tam cang ngũ thường” – một lối kiểng cổ quen thuộc của người Nam bộ. Tất cả được bảo tồn nguyên vẹn.

Song song với những kiến trúc cổ của thánh đường, nhà xưa từ thời Pháp thuộc, những ngôi chùa ở cù lao Giêng cũng là nơi khách thập phương tứ xứ tìm đến vãn cảnh, cúng viếng đông đúc mỗi ngày. Nổi bật nhất là chùa Ông Đạo nằm, còn gọi là chùa Thành Hoa gốc người Đồng Tháp, tu theo Phật giáo sau biến hoá dần, bày ra một hình thức tu luyện khác lạ.

Bình lặng hơn trong không gian chùa chiền ở cù lao Giêng - chùa Phước Minh, dân trong vùng hay gọi chùa Bà Vú. Ngôi chùa nổi bật giữa một màu xanh cây trái. Đây chính là ngọn tháp cửu trùng (chín tầng) với chiếc cổng tam quan được thiết kế rất đẹp.

Trong số những di tích kỳ lạ ở cù lao Giêng, có một khu mộ gồm ba phần mộ liền kề với lối xây dựng lạ mắt và độc đáo nhất trong kiến trúc lăng mộ. Đây được gọi là phần mộ của “Ba quan thượng đẳng” – ba anh em người cù lao Giêng, được mời ra kinh thành Huế phong chức vụ theo đường binh nghiệp, rất có công với triều đình nhà Nguyễn, sau đó hy sinh ngoài chiến trận và được vua Gia Long phong chức Ngọc Hầu. Mộ phần ba quan bố trí không đồng nhất nhau, một mộ mang hình con mực đầu lượn ra phía cửa, mộ hình cá chép nằm ngược đang trở đầu uốn theo con mực và mộ hình con rùa cũng xoay theo con cá chép. Câu chuyện về mộ phần với những sinh vật biển được bố cục kỳ lạ và đều có ngụ ý riêng. Ba con vật đọc theo Mặc – Lý – Quy (Mặc đọc theo âm Hán nghĩa là cá mực, là sự im lặng, tức là “về trong im lặng”). Bởi vậy, tuy là võ tướng của triều đình, có công lớn, nhưng phần mộ của ba vị tướng nhỏ nhoi, nằm lặng lẽ giữa đồng, nay do người cháu trông coi và nắm giữ nhiều câu chuyện thú vị về ba vị quan cũng như ý nghĩa của lăng mộ kỳ lạ này.

Đi khắp xứ cù lao Giêng chỉ vẻn vẹn trong 1 ngày, nếu đói bụng, du khách có thể ghé chùa làm bữa cơm chay, nghe những câu chuyện thú vị do những người dân địa phương lưu truyền lại quanh những địa danh, di tích, thực là một ngày vui đáng nhớ.
SaigonNet