Bắc Ninh muốn đưa Kéo co bằng tre thành di sản
Cập nhật: 04/11/2014
Lễ hội Kéo co bằng tre của làng Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc, được duy trì liên tục trong suốt 400 năm.
 

UBND  tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ khoa học lễ hội Kéo co làng Hữu Chấp trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Theo tục lệ, sáng mùng 3 Tết, ông Quan đám cùng các cụ cao niên trong làng Hữu Chấp làm lễ mở cửa đình, chuẩn bị đồ thờ tự cho lễ hội. 

Sáng mùng 4 chính hội, đoàn rước của làng thực hiện nghi lễ tế thần, kính cáo trời đất xin phép được lấy nước về thờ và 4 ông Hóa lên thuyền ra giữa dòng sông Cầu (đoạn giữa hai huyện Việt Yên - Bắc Giang và thành phố Bắc Ninh - Bắc Ninh) lấy những dòng nước trong sạch, tinh kiết nhất để đem về đình dùng thờ cúng trong cả năm. Sau đó đoàn rước đưa nước về đình tế lễ. 

Điểm đặc biệt và là nét độc đáo ở lễ hội Kéo co của làng là người dân không dùng dây mà dùng hai cây tre để kéo. Những ông Quan đám, ông Hóa và những người đi lựa chọn mua tre, kéo co được tuyển chọn rất kỹ lưỡng. 

Thông thường, những người được chọn phải là những người đàn ông mạnh khỏe, có tuổi đời ngoài 40 tuổi, gia đình không có tang, sinh được đủ cả trai lẫn gái; những người tham gia kéo co phải từ 30 - 37 tuổi mới được tham gia.

Tre được chọn phải dài trên 20m, thân thẳng, không bị kiến, không bị sâu, không bị lợn cọ và phải của gia đình trong năm không có tang.

Đến ngày 30 Tết, tre được chặt mang về cạo sạch vỏ, đục lỗ rồi lồng hai chiếc đòn gánh vào để nối hai cây lại với nhau. 

Muốn thêm sự chắc chắn, người dân lấy lạt quấn chặt chỗ nối rồi tết lạt lại thành hình ba con nhện, một con to ở giữa, hai con nhỏ ở hai đầu. 

Sau đó, cây kéo được treo lên trước cửa đình để thờ, chờ đến ngày khai hội.

Chiều mùng 4 Tết, sau khi hoàn thành việc tế lễ, 70 người kéo chia làm hai đội bên Đông và bên Tây, mỗi bên 35 người, bốn người to khỏe nhất sẽ được chọn đứng đầu đòn gánh, tất cả đều cởi trần, đóng khố, thắt lưng nhiễu điều, đầu chít khăn lụa những người còn lại bám vào thân tre chờ hiệu lệnh của các ông Hóa mà kéo.

Các đội sẽ kéo ba keo, bên nào kéo được hai keo bên đó thắng. Đặc biệt, tới keo thứ ba thì người xem được quyền vào kéo giúp. 

Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp ngày nay mặc dù vẫn được nhân dân trong làng duy trì nhưng việc gìn giữ và phát triển nghi lễ và trò chơi này đang gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian dài bị ảnh hưởng của chiến tranh, lễ hội không được tổ chức, nghè và những đồ thờ tự phục vụ cho nghi thức rước nước không còn nên đã nhiều năm nay, lễ rước nước không được diễn ra trong lễ hội. Trong làng, những người còn nhớ về nghi lễ này cũng không nhiều. 

Trong những năm qua, do việc tổ chức tốn kém nên nhân dân chỉ tổ chức trò chơi Kéo co hai năm một lần vào những năm chẵn, không gian lễ hội cũng phải chuyển qua vùng đất rộng trước đình chứ không còn tổ chức trong sân đình như trước. 

Mặc dù có một số những thay đổi, nhưng nghi lễ và trò chơi Kéo co làng Hữu Chấp hàng năm vẫn thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về tham dự.

Lễ hội Kéo co lãng Hữu Chấp cũng là một trong những hạt nhân để Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hồ sơ "Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống" trình lên UNESCO đưa trò chơi dân gian này thành di sản văn hóa của thế giới.

ĐCSVN