Quảng bá di sản cần gắn liền với các mục tiêu bảo tồn, tôn tạo
Cập nhật: 20/10/2014
Vừa qua, tại Hà Nội, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam phối hợp với Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng chiến lược quảng bá Di sản Thế giới ở Việt Nam”.
 

Phát biểu khai mạc, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, đến nay Việt Nam đã được công nhận 2 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa, 1 di sản hỗn hợp, 8 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu thế giới. 

Từ khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là di sản thế giới, đặc biệt là các khu di sản thiên nhiên đã phát huy việc giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa đồng thời trở thành các điểm du lịch mang lại nguồn thu nhập quan trọng góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam trên toàn thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nông Quốc Thành nhấn mạnh, những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức tư nhân trong và ngoài nước, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo quảng bá hình ảnh di sản ngày càng được nâng cao. 

Từ đó, số lượng du khách tới thăm di sản tăng dần hàng năm. Tuy vậy việc công nhận di sản không phải chỉ để khai thác du lịch mà trách nhiệm chính là việc cân bằng mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. 

Việc quảng bá phát huy di sản cần phải được gắn liền với các mục tiêu bảo tồn, tôn tạo di sản và giúp du khách hiểu rõ giá trị của khu di tích, di sản thế giới, từ đó cùng chung tay vào việc bảo vệ di sản.

Chia sẻ cách tiếp cận và một số phương pháp gắn kết với việc bảo vệ quản lý di sản thế giới, đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới cần bảo đảm giá trị nổi bật toàn cầu với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản. 

Để đạt được mục tiêu bảo tồn, việc sử dụng hình thức quảng bá sẽ giúp thúc đẩy hoặc hạn chế số lượng khách, góp phần định hướng và tác động các hoạt động của công chúng tại khu di sản, thu hút sự ủng hộ và tham quan của cộng đồng vào hoạt động bảo vệ di sản. 

Do đó các nhà bảo tồn có thể sử dụng các công cụ quảng bá để thúc đẩy hành vi xã hội có lợi cho khu di sản, gắn kết kế hoạch quảng bá với mục tiêu bảo tồn trong kế hoạch quản lý tổng thể.

Giới thiệu một số công nghệ sử dụng quảng bá di sản thế giới, đại diện Công ty An Thi nhấn mạnh sự xuất hiện của những công nghệ mới có khả năng hỗ trợ rất nhiều cho nhiệm vụ bảo tồn và gìn giữ di sản vẫn chưa thực sự được quan tâm ở Việt Nam. 

Cơ sở dữ liệu hiện có cơ bản vẫn chỉ là những tài liệu mô tả, ảnh chụp, bản vẽ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu dạng số hoàn chỉnh, vì thế hạn chế khả năng tạo ra các sản phẩm dẫn xuất tốt. Để phối hợp hiệu quả hoạt động này, cần có một đơn vị đứng đầu, nhận trách nhiệm để triển khai thực hiện.

Tại hội thảo các đại biểu cũng tập trung thảo luận nội dung về ưu thế của chiến lược quảng bá di sản; áp dụng quy trình xây dựng chiến lược quảng bá và một số kinh nghiệm điển hình, những gợi ý quảng bá cho tất cả các khu di sản thế giới tại Việt Nam.

Vietnam+