Mở rộng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam: Động lực thúc đẩy phát triển du lịch
Cập nhật: 27/08/2014
(TITC) – Chính sách thị thực thông thoáng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển du lịch.
 

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), khách du lịch coi thị thực chủ yếu như một thủ tục áp đặt chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực và các chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực. Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế. Báo cáo này khuyến nghị các nước mở rộng các điều kiện thuận lợi về thị thực và chuyển sang hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu, điều này có thể mang lại thêm từ 6 đến 10 triệu khách du lịch quốc tế cho các quốc gia thành viên ASEAN đến năm 2016. Số lượng khách gia tăng này có thể mang lại từ 7 đến 12 tỷ USD từ các khoản thu bổ sung và tạo ra từ 333.000 đến 654.000 việc làm mới đến năm 2016. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể gia tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 8% – 18% nếu Việt Nam chuyển sang thực hiện chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu.

Việt Nam hiện nay đang áp dụng hệ thống miễn thị thực trong thời hạn 30 ngày cho khách du lịch đến từ các nước ASEAN (trừ Brunei trong thời hạn 14 ngày) và trong thời hạn 15 ngày đối với khách du lịch đến từ các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Chính sách miễn thị thực hiện nay của Việt Nam đã góp phần khá tích cực vào sự phát triển du lịch Việt Nam. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 5,47 triệu lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, gần 42% lượng khách thuộc đối tượng miễn thị thực. Lượng khách du lịch đến từ Nga tăng 27,1%; khách du lịch đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng vượt trội và là hai thị trường gửi khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam.

Mở rộng chính sách miễn thị thực không chỉ đảm bảo thực hiện thành công chiến lược phát triển du lịch mà còn góp phần nâng cao mức tăng trưởng kinh tế - xã hội. Theo số liệu thống kê, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức chi tiêu bình quân từ 1.200 USD đến 2.500 USD tùy từng thị trường khách và loại hình du lịch. Sự gia tăng số lượng khách quốc tế sẽ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc thu lệ phí visa. Ngoài ra, tiêu dùng của khách du lịch quốc tế sẽ nâng cao thu nhập cho khu vực tư nhân và các khoản thuế đóng góp cho khu vực nhà nước, cũng như góp phần đẩy mạnh nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ như vận tải, ăn uống, hàng thủ công mỹ nghệ…, tạo việc làm và các lợi ích xã hội cho cộng đồng.

Nắm bắt được mối liên hệ giữa chính sách visa thông thoáng với phát triển du lịch và tăng trưởng kinh tế, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 8375/BGTVT-HTQT ngày 11/7/2014 và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2616/BVHTTDL-TCDL ngày 06/8/2014 kiến nghị chính sách miễn thị thực đối với một số nước nhằm thúc đẩy thị trường vận tải hàng không và du lịch. Tại Công văn số 05/HĐTVDL ngày 20/8/2014, Hội đồng Tư vấn Du lịch ủng hộ ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ miễn thị thực cho khách du lịch đến từ các nước Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Canada. Khách du lịch Tây Âu thường có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; Úc và New Zealand là những thị trường tiềm năng mang lại nguồn thu cho các doanh nghiệp du lịch trong mùa thấp điểm; Canada nằm trong tốp 15 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam; với quy mô dân số lớn, Ấn Độ sẽ trở thành một thị trường nguồn quan trọng.

Đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến từ những thị trường nguồn quan trọng được phê duyệt sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, tăng cường thu hút du khách, tăng tổng thu từ khách du lịch và tạo việc làm, cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Nhiều điểm đến trong ASEAN đã áp dụng hệ thống miễn thị thực một cách rộng rãi và đạt được những kết quả tích cực.

 

Lượng khách quốc tế đến năm 2013

Miễn thị thực cho

Thái Lan

26,7 triệu lượt

61 nước (trong đó miễn đơn phương cho 49 nước)

Malaysia

25,72 triệu lượt

155 nước (trong đó miễn đơn phương cho 85 nước)

Singapore

15,6 triệu lượt

150 nước (trong đó miễn đơn phương cho 82 nước)


Năm 2013, Việt Nam đã đón 7,57 triệu lượt khách du lịch quốc tế, mặc dù tăng 10% so với năm 2012 nhưng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do vậy, việc mở rộng phạm vi miễn thị thực cũng sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến trong khu vực.


Hồng Nhung