Phát huy giá trị di sản Huế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Cập nhật: 26/08/2014
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 22/8 về vấn đề bảo tồn, trùng tu di sản Huế gắn với phát triển du lịch bền vững.


Phát huy giá trị di sản gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Nằm ở trung tâm của miền trung, trên hành lang kết nối đông - tây thông qua quốc lộ 9 -Đông Hà và nam - bắc qua quốc lộ 1, thành phố Huế có một lợi thế rất lớn để liên kết du lịch, đặc biệt là du lịch di sản với các vùng miền trong nước và ngoài nước.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 140 di tích, trong đó có 85 di tích cấp quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh, riêng Quần thể Di tích Cố đô Huế được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây cũng là địa phương có nhiều lễ hội với 500 lễ hội, bao gồm cả lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống; đã có hơn 100 lễ hội được nghiên cứu phục dựng, bảo tồn.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá: “Huế có lợi thế rất lớn khi có một hệ thống di sản mà triều Nguyễn để lại. Điều đó sẽ góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nên địa phương cần bảo tồn tốt và phát huy hết giá trị di sản. Cơ sở hạ tầng cho ngành văn hóa- du lịch cũng cần được đẩy mạnh”.

Để thực hiện Quyết định 88/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch, nâng cấp, xây mới các nhà hát, nhà trưng bày triển lãm, rạp chiếu phim… tỉnh nên đưa vào kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020.

Trong lĩnh vực du lịch, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng của tỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải liên kết phát triển du lịch, Huế vừa liên kết với Đà Nẵng, Quảng Nam nhưng cũng phải là “đầu tàu” chủ động liên kết với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Đồng thời tỉnh cũng phải chủ động xúc tiến, quảng bá cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo đại diện UBND tỉnh, việc phát triển du lịch di sản, tiềm năng nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít.

Vấn đề khoanh vùng bảo vệ di tích mặc dù đã từng được thực hiện nhiều lần và khá nghiêm túc nhưng đến nay vẫn còn hàng nghìn hộ dân sống ở khu vực di tích chưa thể di dời, giải tỏa.

Việc lập hồ sơ, thủ tục dự án trùng tu di tích từ lâu đã gặp nhiều vướng mắc. Theo ông Phan Thanh Hải- GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, khó khăn lớn nhất là ở các quy định tại Nghị định 70/2012/NĐ-CP (Về việc thẩm quyền, trình tự thủ tục lập phê duyệt quy hoạch, dự toán bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh) và Nghị định 15/2013/NĐ- CP (về quản lý chất lượng công trình xây dựng… ) của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng cho rằng, các công trình đặc biệt cấp quốc gia đều là công trình cấp 1, mọi việc quản lý chất lượng công trình và các dự án đầu tư đều phải thông qua Bộ Xây dựng từ khâu khảo sát xây dựng cho đến các thủ tục hình thành 1 dự án. Việc này đã khiến cho nhiều hồ sơ dự án trùng tu của di tích Huế bị chậm và ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích.

Hiện nay, Thừa Thiên- Huế vẫn còn 17 hồ sơ trùng tu đang chờ trả lời của Bộ Xây dựng.

Về vấn đề này, đại diện Cục di sản văn hóa cho biết cũng đã làm việc với Vụ Pháp chế của Bộ, trong thời gian ngắn sẽ cùng phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường để tìm hiểu rõ ngọn ngành quy trình của các dự án trùng tu di tích, sau đó sẽ có đánh giá trình Thủ tướng.

Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nên tận dụng các nguồn lực của Trung ương, địa phương và cả quốc tế để giải quyết vấn đề trùng tu, tôn tạo di tích và giải phóng mặt bằng ở các vùng bảo vệ di tích. Đồng thời nhấn mạnh, đây là vấn đề nan giải, không thể làm nhanh, cần có sự tính toán lâu dài.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh thời gian qua, đặc biệt là việc tổ chức thành công Festival Huế 2014. Bộ trưởng yêu cầu địa phương tiếp tục nỗ lực để tổ chức Festival Huế 2016 hiện đại và chuyên nghiệp hơn.

Cinet