Xây dựng Kế hoạch hành động quản lý khủng hoảng trong ngành Du lịch
Cập nhật: 30/05/2014
(TITC) - Sáng 29/5/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức buổi họp nhằm xây dựng Kế hoạch hành động quản lý khủng hoảng trong ngành Du lịch.

Đây là buổi họp mang tính chuyên môn sâu dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, có sự tham gia của Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp, lãnh đạo các vụ, đơn vị sự nghiệp và nhiều công chức, viên chức làm việc tại Tổng cục Du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế phát triển nhanh, huy động sự tham gia và mang lại lợi ích cho nhiều chủ thể nhưng cũng là ngành kinh tế nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ bên ngoài. Tác động của khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á năm 1998-1999, dịch SARS năm 2003, khủng hoàng tài chính ở Mỹ năm 2008 đã cho thấy những bài học thực tiễn rất rõ ràng.

Đặc biệt, những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông hiện nay sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đặt ngành Du lịch Việt Nam trước những khó khăn, thách thức lớn. Nhiều chuyên gia dự báo ngành Du lịch đứng trước nguy cơ sẽ gặp nhiều khó khăn, số lượng khách du lịch có khả năng giảm sút, dẫn đến nhiều suy giảm khác về tổng thu du lịch, việc làm, đầu tư… Do vậy, về lâu dài, việc chuẩn bị sẵn sàng điều kiện liên quan và dự báo, phân tích, xây dựng mô hình ứng phó khủng hoảng là rất cần thiết nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động xấu đối với Du lịch Việt Nam.

Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, khi xảy ra khủng hoảng đòi hỏi phải có sự sẵn sàng, tập trung nguồn lực, hành động ứng phó thống nhất, sự tham gia chủ động và tích cực của cả hệ thống cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, người làm du lịch và cộng đồng dân cư, khách du lịch. Do vậy việc xây dựng quy trình quản lý khủng hoảng, đề xuất kế hoạch ứng phó, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong ứng phó và phục hồi sau khủng hoảng đóng vai trò quan trọng.

Việc quản lý khủng hoảng tốt sẽ ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng đối với du lịch Việt Nam; tạo niềm tin, sự cảm nhận an toàn của khách khi tới Việt Nam du lịch; bảo vệ và phát triển thương hiệu du lịch và hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Tại buổi họp, các đại biểu nhất trí rằng cần xây dựng Kế hoạch khung ứng phó với khủng hoảng trong ngành Du lịch nói chung, đồng thời xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết phù hợp với từng tình hình cụ thể; Xem xét có thể thành lập Ban Quản lý ứng phó khủng hoảng, trong đó có từng bộ phận phụ trách chuyên môn riêng về phát ngôn, hậu cần, kỹ thuật, truyền thông, tài chính,…

Các ý kiến đều nhấn mạnh vai trò then chốt của truyền thông trong ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt trong ngành Du lịch. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, thông tin được lan truyền hết sức nhanh chóng qua internet và mạng xã hội, khách du lịch có điều kiện tiếp cận với nhiều luồng thông tin trong đó có cả những thông tin sai lệch. Vì vậy, việc định hướng thông tin, cung cấp thông tin nhanh, chính xác, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho du khách, đặc biệt với khách quốc tế là vô cùng quan trọng.

Cùng với đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch với các ngành liên quan, như Giao thông vận tải, Ngoại giao, Thông tin - Truyền thông, Công an…

Phát biểu kết luận, Tổng cục trưởng chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện xây dựng Kế hoạch khung trên cơ sở tham khảo các lý luận và nguyên tắc chung do các chuyên gia đã xây dựng. Bản kế hoạch cần làm rõ mục tiêu, kế hoạch hành động, trong đó có dự báo tình hình, phân tích các tác động, đánh giá được các mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng; đề ra các bước và tổ chức thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời bản kế hoạch phải đưa ra được các giải pháp cơ bản. Về truyền thông, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tấn báo chí, huy động sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mở diễn đàn trao đổi gắn với các đơn vị công nghệ thông tin; Nghiên cứu phát triển các thị trường mới và chuyển hướng thị trường trong từng giai đoạn cụ thể, kích cầu du lịch nội địa; Thực hiện chính sách tạo thuận lợi cho du khách đi du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn cho mọi du khách…

Sau khi Bản Kế hoạch được bổ sung, chỉnh sửa, Tổng cục Du lịch dự kiến sẽ sớm tổ chức buổi họp trao đổi với một số đơn vị liên quan để hoàn thiện, ban hành.

 

Thực hiện: Thái Hà, Truyền Phương