Giỗ Tổ nghề thêu, sự tri ân nhiều ý nghĩa
Cập nhật: 04/07/2008
Vào ngày 12/7/2008, Lễ Giỗ tổ nghề thêu do Công ty XQ Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra tại khuôn viên Trung tâm làng nghề thêu truyền thống XQ Sử Quán, thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đây là lễ hội truyền thống hàng năm của ngành thêu Việt Nam nhằm tri ân Ðức Tổ nghề Lê Công Hành và các thế hệ nghệ nhân đã có nhiều công lao phát triển nghề.

Nghề thêu ở nước ta vốn có từ rất sớm nhưng đến tận thế kỷ 17 mới thật sự đạt đến độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện với sự truyền dạy của ông Lê Công Hành.

Theo gia phả lưu giữ trong nhà thờ Tổ nghề, Lê Công Hành là người làng Quất Ðộng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc (Triều nhà Minh), ông đã học lỏm được kỹ thuật thêu chỉ màu trên vải và cách làm lọng của người phương Bắc. Khi về nước, ông đã dạy cho người dân làng Quất Động và một số xã lân cận; sau này là nhiều vùng, miền trong cả nước. Sau khi ông mất, dân làng Quất Ðộng và các xã lân cận cùng một số vùng, miền trong cả nước đã lập đền thờ và tôn vinh ông thành ông tổ của nghề thêu và lấy ngày 12/6 âm lịch (ngày mất của ông) là ngày Giỗ tổ nghề thêu Việt Nam. 

Từ những kỹ thuật thêu ban đầu đó, bằng đôi tay và khối óc cùng sự sáng tạo tài tình, các thế hệ nghệ nhân nước ta đã tạo ra nhiều tác phẩm thêu mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền nhưng vẫn thể hiện rõ giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trong dịp này, một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức như: Cuộc thi "Bàn tay vàng" dành cho các nghệ nhân, thợ thêu tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước, triển lãm tranh thêu "Tri kỷ hữu" tại khuôn viên vườn Thiên nhai, đêm thơ "Nhặt cỏ vườn trăng", đêm nhạc guitar "Dế đợi trăng" và "Thả những giấc mơ của người thợ thêu"...
Trung tâm Thông tin Du lịch