Du lịch hướng tới mốc 8 triệu khách quốc tế năm 2014
Cập nhật: 06/12/2013
Năm 2014, ngành du lịch Việt Nam hướng tới mục tiêu thu hút khoảng 8 triệu lượt du khách quốc tế và 40 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 220.000 tỷ đồng.

Thông tin này vừa được công bố tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp du lịch năm 2013 tổ chức ngày 4/12, tại Hà Nội. 

Cán đích trước 2 năm 

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch tại hội nghị, trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, du lịch Việt Nam chứng kiến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ ấn tượng hơn 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 và suy thoái kinh tế thế giới năm 2009). Năm 2012, Việt Nam đón 6,8 triệu lượt khách quốc tế; 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. 

Trong 11 tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế đã đạt con số 6,8 triệu lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012. Với tốc độ đó, ước tính năm 2013, Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu sẽ đạt 195.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần; tổng thu du lịch tăng hơn 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể đó thì mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã cán đích trước 2 năm. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: “Có thể khẳng định, giai đoạn vừa qua ngành du lịch đã tăng trưởng tích cực với sự mở rộng quy mô, lớn mạnh tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch; hệ thống hạ tầng gắn với quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống khu, tuyến, điểm, đô thị du lịch trên 7 vùng du lịch của cả nước; hệ thống doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển, giải trí… với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, đồng thời lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp.” 

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2013, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2014 sẽ thu hút khoảng 8 triệu lượt du khách quốc tế và 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 220.000 tỷ đồng. Theo chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ hướng trọng tâm phát triển theo chiều sâu. 

Mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. 

Đứng trước nhiều thách thức lớn 

Tuy nhiên, theo ông Cường, bên cạnh những thành quả đạt được trong năm 2013, ngành du lịch cũng đứng trước không ít khó khăn và thách thức lớn trong giai đoạn tới. Trước hết là những yếu tố bất ổn trên thế giới như: bất ổn chính trị, xung đột, khủng bố, dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế tài chính ở các nước đối tác…có những tác động nhất định đến ngành du lịch Việt Nam. 

Thứ hai, du lịch Việt Nam đang đứng trước sức ép khá lớn với sự cạnh tranh của điểm đến hàng đầu trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore - là những quốc gia được đầu tư nhiều kinh phí và có trình độ chuyên nghiệp cao trong hoạt động du lịch. 

“Trong bối cảnh các nước ASEAN sẽ chính thức gia nhập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, ngoài cơ hội thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp khi mà sau năm 2015, các nước ASEAN sẽ đồng loạt loại bỏ hàng rào phi thuế quan, thuế suất trong ASEAN sẽ từ 0-5%. Nếu không chuẩn bị tốt, thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị trường khách du lịch trong khu vực mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó giữ vững. Đây có thể nói là một trong những thách thức hàng đầu đối với du lịch Việt Nam nói chung và đối với doanh nghiệp Việt Nam nói riêng”, ông Cường nhận định. 

Bên cạnh đó, ngành du lịch còn vấp phải những thách thức ngay trong nội tại của ngành bởi những hạn chế, yếu kém vẫn còn đang tồn tại. Đó là công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xảy ra. Tình trạng taxi dù, hiện tượng chèo kéo, hàng rong, lừa đảo, ép khách vẫn còn ở nhiều địa phương, đặc biệt là mùa cao điểm…; sản phẩm du lịch Việt Nam chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, nghiên cứu thị trường còn thụ động, yếu kém; nguồn nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu… 

Để khắc phục những khó khăn và đạt được mục tiêu trong năm 2014, ngành du lịch cũng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tăng cường đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp liên quan đến du lịch và giải quyết các vấn đề liên ngành để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển; coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam; coi trọng và đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch… 

Ngoài tổng kết hoạt động ngành trong năm 2013 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2014, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng đã báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị doanh nghiệp tại Hội nghị năm 2012 đồng thời tổ chức lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp đối với những vấn đề của ngành du lịch trong năm 2013. Hầu hết các ý kiến doanh nghiệp đóng góp tại hội nghị đều xoay quanh những vấn đề nóng hổi của ngành trong thời gian qua như: đề xuất thành lập cảnh sát du lịch, thành lập quỹ xúc tiến quảng bá du lịch với cơ chế đóng góp từ doanh nghiệp: 1 USD/đêm/khách; chính sách visa; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch… 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, những kiến nghị mà doanh nghiệp du lịch đóng góp sẽ được tổng hợp thành những nhóm vấn đề lớn, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp thu và từ đó đề xuất giải pháp. Những vấn đề nào còn vướng mắc sẽ tiếp tục được xem xét giải quyết trong thời gian tới.

Tổ quốc