Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
Các xã Phục Lễ, Phả Lễ (huyện Thuỷ Nguyên) được coi là quê hương hát đúm của Hải Phòng.

Hát đúm ở đây rất giàu làn điệu: trống quân, cò lả, sa mạc, lý giao duyên. Vào hội, một khi bên nữ - vốn hay đột ngột chuyển làn điệu trong khi hát mà phía bên nam không kịp đối là thua. Hát đúm ở Phục Lễ gắn với Hội mở mặt. Con gái Phục Lễ quanh năm dùng khăn chít che mặt chỉ để hở hai đôi mắt đen như hạt nhãn. Ngày hội mở mặt còn được coi là ngày các cô gái thi sắc đẹp, làm quân cờ người. Chiếc khăn tung ra để lộ những khuôn mặt trắng mịn, môi hồng như hoa lựu, làm cho Hội thi hát đúm thêm say mê, hào hứng. Trai gái hát mừng, hát hỏi, hát đố, hát hoạ, hát giao duyên (huê tình), hát tiễn...

Hãy nghe bên nữ hát đố:

Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền
Chàng mà giải được, em liền theo không?

Bên trai hát giải:

Tam sơn là núi, tứ hải là sông
Nhất phần điền là ruộng, theo không là nàng.

Và bên trái tách ra, một chàng cầm tay cô gái hát giao duyên:

Thấy em vừa đẹp, vừa xinh
Anh thuận nhân tình, anh nắm cổ tay
Nắm rồi, anh hỏi cổ tay
Ai nặn nên trắng, ai day nên tròn?

Rồi chàng kể nỗi gian truân:

Vì nàng anh phải đi đêm
Ngã năm ba cái, đất mềm không đau
Vì nàng anh phải đi thăm
Ngã sứt đầu gối, ngã thâm bánh chè!

Bên gái cũng bộc lộ tình cảm:

Yêu nhau quá đỗi quá chừng
Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.

Không ít các chàng trai, cô gái vì cảm mến nhau qua lời ca, điệu múa mà rồi nên vợ nên chồng. Và vì thế, hát đúm luôn là lễ hội hấp dẫn, trẻ trung, trở thành nét đặc trưng trong kho tàng văn hoá truyền thống của vùng đất này.