Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính


 Phở
 

Phở là món ăn phổ biến, gần gũi với mọi người. Người Việt Nam ăn phở từ lúc còn bé. Khi tuổi già, bát phở lại là món ăn thích hợp hơn cả. Phở được ăn nhiều nhất vào buổi sáng, cũng có người ăn phở vào buổi trưa thay cơm. Ai thức khuya, đói bụng, cũng tìm đến với bát phở nóng hổi cho lại sức. 

Nếu chén nước trà cần đến hương của trà thì bát phở rất cần đến vị của phở. Chế biến thế nào để khi đặt bát phở nóng nghi ngút trên bàn, người ăn cảm nhận được ngay hương vị đậm đà của món ăn tổng hợp này là bí quyết của nghề phở. Bánh phở mượt mà, thái nhỏ được chế biến từ gạo tẻ. Nếu là phở bò thì nước dùng phải là xương bò, xương lợn. Thịt phi-lê dành cho bát tái có kèm mấy lát gừng thơm. Thịt bò nạc ninh dừ thái mỏng, ăn mềm, thơm, được bày lên bát phở chín.

Phở gà thì nước dùng chủ yếu bằng xương lợn, xương gà. Thịt gà lọc hết xương, thái từng miếng. Có thể tạm ví phở là món súp Việt Nam vừa ngon vừa bổ, thích hợp với khẩu vị của mọi người.

Hành được tước mỏng, ớt tươi, hạt tiêu, chanh... là những gia vị không thể thiếu trong bát phở.

  Bánh cuốn nóng 
 

Nhắc tới bánh cuốn là nhắc đến một món quà dân dã, món quà gợi nhớ vị bánh thơm ngon ở một góc chợ quê buổi sớm. Bánh cuốn thu hút khách ăn đến mức gần gũi, thân quen với người Việt là thế mà cách làm ra loại bánh này lại khá đơn giản. Đơn giản ngay từ khâu nguyên liệu. Muốn có bánh ngon, người làm bánh phải dùng gạo trắng loại ngon, thơm để xay lấy bột lỏng, rồi dùng muôi múc bột gạo đổ dàn đều thành lớp mỏng trên mặt vải căng ở miệng nồi nước đang sôi. Qua bàn tay người bán hàng, bột gạo loáng một cái đã trở thành lá bánh. Bánh cuốn ngon đòi hỏi màu bánh trắng mà trong. Các lá bánh xếp chồng lên nhau, do bánh được làm khéo nên các lá bánh không dính chặt với nhau, bánh giòn, dai và không vụn. Hành khô bóc vỏ, thái nhỏ, cho vào chảo mỡ nóng phi thấy mùi thơm là vớt ra ngay, sau đó rắc vào giữa các lớp bánh giúp bánh thêm hấp dẫn.  Bánh cuốn ngon còn cần tới nước chấm tốt. Chỉ với nước mắm, mì chính, đường, ớt, người pha phải làm cho nước chấm đạt đến độ thơm, cay, béo, ngọt. Nước chấm sẽ càng ngon hơn nếu thêm được vị thơm, vị cay của cà cuống. Bàn tay người bán hàng cứ thoăn thoắt các thao tác làm bánh từ đầu đến cuối, đủ để bánh cuốn không bị nguội mà cũng không còn nóng quá.  Thời gian chờ đợi bánh vừa đủ để khách sẵn sàng cho một bữa quà. Bánh cuốn giờ đây không còn là thứ bánh dân dã của riêng người thôn quê mà nó đã len lỏi vào khắp mọi nẻo đường, góc phố chốn thành thị. Bánh cuốn thường ăn kèm với chả, với ruốc. Đĩa bánh cuốn sinh động hẳn lên với đủ màu sắc: màu trắng trong của bánh, màu xanh của rau tươi, màu vàng của hành và màu nâu của ruốc, chả.

 Bánh su sê (phu thê)
 

Bánh su sê có từ bao giờ chắc ít ai biết. Chỉ biết rằng trong thế hệ những người đang sống dù trẻ hay già thì từ lúc ra đời và lớn lên đã thấy có sự hiện diện của bánh su sê trong cuộc sống xã hội.

Su sê có hình bán cầu bằng độ 1/2 quả hồng xiêm, được xếp từng cặp màu vàng, màu đỏ gói trong giấy PE trong suốt. Vỏ bánh làm bằng bột hoàng tinh, nhân đậu xanh. Trước đây ở Hà Nội ngày thường sẵn có bán thứ bánh này. Còn giờ đây thì nó đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

Có người nói rằng Su Sê là tên gọi chệch của bánh "phu thê", một thứ bánh đặc sản nổi tiếng của làng Ðình Bảng thuộc huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh. Xét về cội nguồn,"phu thê" Ðình Bảng có những nét độc đáo. Người Ðình Bảng đã thành thói quen, dù có nhiều hay ít ruộng vẫn dành riêng một thửa ruộng để cấy nếp cái hoa vàng.Thứ nếp này được xay lọc kỹ thành bột trắng tinh mịn mượt. Cứ 10kg gạo nếp lọc được 4kg bột bánh. Người ta giã quả dành dành (không dùng bột thực phẩm hay hoá chất) rồi lọc lấy nước màu vàng óng, thêm vào đấy nước hoa bưởi được trưng cất, cùng sợi đu đủ nạo nhỏ, ngâm phèn rồi rửa sạch, vắt kiệt. Cứ khoảng 600g đu đủ cho 1kg bột đem trộn với đường kính, nhào luyện cho thật dẻo quánh để làm vỏ bánh. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đồ chín, giã nhuyễn xào với đường kính, cùi dừa nạo chỉ và mứt sen trần. Bánh gói lá dong luộc trong vòng 10 phút. Luộc xong thường để cách 1 ngày rồi ăn bánh mới thật ngon. Bánh bóc ra mịn màng thơm phức. Trên nền trắng lụa của vỏ bánh thấp thoáng những vân mây đu đủ trông thật gợi cảm. Hương thơm của bánh được toả ra từ lúa nếp cái hoa vàng, cộng với vị bùi béo của đậu xanh, dừa, mứt sen, hương bưởi, nước quả dành dành. Ăn một miếng bánh người ta nghĩ đến sự thưởng thức của một thú vui tao nhã mà cầu kỳ lịch sự. "Phu thê" có nghĩa là vợ chồng, là tình chồng nghĩa vợ. Bởi vậy bánh thường được bán từng cặp, là một trong những lễ vật không thể thiếu được của người Kinh Bắc như một biểu tượng của lòng chung thủy lứa đôi. Dần dần bánh "phu thê" trở thành một nét văn hoá đặc trưng, được dùng trong các việc trọng đại của gia đình, họ hàng, làng xã vào những ngày lễ Tết, cúng lễ trời phật tổ tiên và nhất là vào dịp Tết Nguyên đán để khao bạn, đãi khách.

 Cốm
 

Hàng năm cứ vào tiết thu (khoảng tháng 9-10 dương lịch) khi gió heo may mang theo hơi sương lành lạnh thổi về thì cũng là lúc những bông lúa nếp uốn câu chờ quả chín vì hạt lúa đã căng đầy, sữa lúa đang đông lại, báo hiệu mùa cốm đã về.

Hơn ai hết, người nông dân biết lúc nào thì lúa có thể gặt về làm cốm. Lúa được gặt về, tuốt lấy hạt (gọi là thóc bao tử), rang chín, để nguội rồi đổ vào cối đá dùng chày gỗ giã nhẹ tay nhưng nhịp phải nhanh, đều thì hạt cốm mới xanh. Xong một lượt giã lại xảy bớt trấu, phải giã đủ bảy lượt. Khi xong, cốm được gói trong lá sen giữ cho cốm không bị khô và cốm thấm hương thơm từ sen. Cốm là món quà rất sang trọng nhưng cũng rất bình dân. Người ta thưởng thức cốm với chuối tiêu trứng cuốc hoặc với quả hồng chín màu hổ phách. Món cốm phải ăn thong thả, nhai kỹ mới cảm nhận hết được vị thơm, dẻo của hương lúa non. Cốm còn là nguyên liệu cho rất nhiều món ăn trong danh mục ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam: cốm xào, bánh cốm, chè cốm... Cốm ở Việt Nam có lẽ ở đâu cũng có thể làm được, nhưng ngon và có hương vị riêng thì vẫn chỉ có cốm làng Vòng. Làng Vòng cách trung tâm Tp. Hà Nội 5km, làng này đã có nghề làm cốm từ nhiều đời nay, những bí truyền của nghề không nơi nào có được, chỉ khi nào ăn cốm Vòng mới thấy được hương vị riêng của nó.