Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
Hủ tiếu là món ăn lâu đời của người Tàu, được người dân Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) cải biến theo khẩu vị riêng, nổi tiếng cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.

Hủ tiếu Mỹ Tho có những thành phần chính như thịt, bánh bột, nước súp. Song lại khác rất cơ bản với hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế… 

Chẳng hạn, hủ tiếu Mỹ Tho không ăn với xà lách, dấm, rau ghém mà dùng giá sống, chanh, ớt, nước tương. Tuy nhiên, điều làm nên hương vị riêng khiến cho hủ tiếu Mỹ Tho trở nên nổi tiếng và nhiều người “bén mùi” kể từ thập niên 60 là nhờ sự hoàn thiện từ khâu hột gạo làm ra cọng bánh tới nồi nước lèo với tuyệt kỹ pha chế của các đầu bếp trứ danh đất Mỹ Tho, như: Phánh Ký, Tuyền Ký, Nam Sơn… cùng các lớp thợ nấu sau này. 

Nhiều người cho biết, hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như Tàu Hương, nàng thơm chợ Đào). Đây là vùng trồng lúa thơm địa phương của xã Mỹ Phong, ngoại thành Mỹ Tho. Cũng cần nói thêm, gạo Gò Cát làm bún, bánh tráng, bánh nghệ nức tiếng ở Mỹ Tho gần 50 năm nay. Nhưng hủ tiếu ngon phải là bánh khô, khi nấu trụng sơ nước sôi, tươm mỡ hành phi, cọng hủ tiếu trong bóng và bắt mắt.

Đó chỉ là một khâu quan trọng, còn hơn - kém nhau tùy thuộc vào nồi nước lèo, ngón gia truyền thường không ai chịu hé răng. Theo vợ chồng anh Ba Châu – thợ nấu, đồng thời là chủ tiệm hủ tiếu đang làm ăn thịnh hành ở đường Trưng Trắc (phường 1, TP Mỹ Tho) - thì: chất ngọt của nồi hầm hủ tiếu Mỹ Tho làm bằng xương ống, thịt và khô mực loại một nướng, cùng một số vật liệu, gia vị đặc trưng, được các đầu bếp gia giảm theo khẩu vị khách hàng của mình. Vì vậy, dù hàng quán khu vực cầu quay Mỹ Tho tuềnh toàng, thực khách cũng cứ nườm nượp. Thậm chí, trong cẩm nang của nhiều hãng du lịch lữ hành quốc tế, đã giới thiệu hẳn tên những hiệu ăn nổi tiếng của nơi đây. 

Hồi trước hủ tiếu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng còn có con tôm chẻ đôi bày trên mặt, trông rất ngon mắt. Giờ để giá thành hạp túi tiền của số đông, người ta thế bằng cục sườn. 

Dân nấu hủ tiếu Mỹ Tho có lối tiếp thị rất khéo. Họ bày bếp núc trên một chiếc xe di động, dựng ngoài hiên nhà để khách từ xa có thể nhìn thấy. Đồng thời với lối bày trí kiểu như vậy, mỗi lần giở nồi hầm chan bánh, hương thơm xông ngào ngạt, mời gọi khách làm không ít người đi ngang qua…  “cầm lòng không đậu”. 

Hiện ở Tiền Giang có hai “ông trùm” làm nghề hủ tiếu khô, "hùng cứ" mỗi người một phương, bỏ mối cùng kinh là lò Bảy Hưng ở TP Mỹ Tho và lò Tám Thảo ở Thị xã Gò Công. Dân địa phương “quở”: hủ tiếu của họ làm tốn gạo vùng này

Ngày Tết, mặc dù nhà nào cũng ngán ngẫm chuyện thịt cá, dưa hành, nhưng các quán hủ tiếu Mỹ Tho thì mở cửa suốt, như khu vực vườn hoa Lạc Hồng, cặp theo sông Tiền, chiều 30 chợ hoa vừa dứt, quảng trường nơi đây được chia lô cho dân bán hủ tiếu dựng lều phục vụ khách đi đường đến hết mồng 5 Tết mới giải tỏa. 

Hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn đặc sản đậm đà tính dân tộc, luôn gợi nhớ đối với những ai đã từng tri âm tri kỷ với đất Mỹ Tho. Thật hiếm có món ăn nào làm theo cách thức của dân Nam bộ lại vừa miệng cả giới Tây, Tàu.